1. Không kê tủ lạnh sát tường, tránh xa các nguồn nhiệt

Bạn không nên đặt tủ lạnh quá sát tường vì tủ cần có không gian thông thoáng để tỏa nhiệt, giúp hoạt động hiệu quả hơn, nếu không, rất tốn điện và mau xuống cấp. Bạn cũng không nên đặt tủ lạnh gần các nguồn tỏa nhiệt như bếp gas, nồi cơm điện, lò vi sóng.

2. Không mở cửa tủ lạnh quá lâu

Nhiều người có thói quen mở và giữ cửa tủ khá lâu khi lấy nước, hoặc khi cất nhiều đồ một lúc. Mở tủ lạnh quá lâu hoặc quá thường xuyên, hơi lạnh sẽ thoát ra ngoài, khi đó máy nén hoạt động nhiều hơn, để làm lạnh trở lại không khí trong tủ, khiến tốn điện hơn. Do đó, bạn không nên mở tủ lạnh quá lâu và nhớ đóng cửa tủ lạnh cẩn thận, sao cho viền đệm cửa của tủ lạnh hít chặt vào thân tủ.

3. Kiểm tra viền đệm cửa thường xuyên

Các gioăng cao su viền quanh cửa tủ lạnh, sau một thời gian dài sử dụng, có thể bị trơ, bị rách; khi đóng cửa tủ lạnh, cửa tủ không hít chặt vào thân tủ, làm hơi lạnh thoát ra ngoài. Nếu gioăng cao su bị hỏng, cần được thay thế, để cửa tủ luôn được đóng chặt.

4. Hạn chế bật, tắt tủ lạnh nhiều lần hay thường xuyên

Bạn nên hạn chế bật, tắt tủ lạnh thường xuyên. Mỗi lần khởi động lại, tủ lạnh sẽ tiêu hao nhiều điện hơn. Trong trường hợp không sử dụng tủ lạnh trong thời gian dài, bạn ngắt nguồn điện, vệ sinh tủ sạch sẽ, không để thức ăn còn trong tủ, đợi tủ khô rồi mới đóng cửa để hạn chế vi khuẩn phát sinh.

5. Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh hợp lý

Nếu bạn đặt nhiệt độ cao cho tủ lạnh để tiết kiệm điện, thực phẩm có thể bị hỏng do không được cung cấp đủ độ lạnh (đặc biệt là mùa hè). Nếu đặt nhiệt độ quá thấp, thực phẩm lại bị đông đá, tốn nhiều điện năng. Do đó, bạn nên cài đặt nhiệt độ hợp lý tùy theo số lượng thực phẩm, nhiệt độ bên ngoài,... Theo lời khuyên từ các chuyên gia, nhiệt độ ngăn lạnh khoảng 2 - 4 độ C, nhiệt độ ngăn đông khoảng -15 độ C.

6. Đựng thực phẩm bằng vật dụng thủy tinh hoặc sứ

Hộp đựng thực phẩm bằng thủy tinh và sứ là chất dẫn nhiệt tốt, giúp duy trì hơi lạnh trong tủ tốt hơn, vừa giúp thức ăn được đảm bảo chất lượng, vừa giúp tủ lạnh tiết kiệm điện. Bạn có thể sử dụng tô, đĩa bằng sứ hay thủy tinh để trữ thực phẩm.

7. Không để đồ ăn, đồ uống nóng vào tủ lạnh

Đồ ăn, đồ uống nóng sẽ làm tăng nhiệt độ trong tủ lạnh, khiến máy nén hoạt động công suất cao để cân bằng nhiệt độ trong tủ. Điều đó làm tốn điện hơn. Nếu bạn thường xuyên đặt đồ ăn nóng vào trong, tủ lạnh phải khởi động mô-tơ để làm lạnh nhanh nhiều lần, cũng làm giảm tuổi thọ tủ lạnh.

8. Để thực phẩm trong tủ lạnh vừa đủ

Sắp xếp thực phẩm vừa đủ đầy trong tủ lạnh sẽ giúp không khí lạnh duy trì tốt nhờ sự lưu thông hơi lạnh qua lại giữa các thực phẩm. Nếu để quá nhiều thực phẩm chật kín trong tủ sẽ không hay vì chúng làm cản trở, hạn chế lưu thông hơi lạnh trong tủ. Việc này sẽ làm tăng nhiệt độ trong tủ lạnh, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Nếu để tủ lạnh quá trống, sẽ làm hao phí điện năng của gia đình. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể linh hoạt giảm bớt nhiệt độ để máy nén làm việc ít hơn.

9. Vệ sinh dàn ngưng

Dàn ngưng nằm phía sau tủ lạnh, có nhiệm vụ tản nhiệt, loại bỏ hơi nóng từ máy nén. Dàn ngưng bụi bẩn có thể dẫn đến việc tản nhiệt kém khiến máy nén phải hoạt động công suất cao hơn để làm lạnh cho tủ. Điều này làm tủ lạnh hao phí điện năng. Bạn nên tiến hành vệ sinh dàn ngưng thường xuyên, ít nhất 6 - 12 tháng/lần để tránh bụi bẩn bám vào.

10. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên

Bạn nên vệ sinh bên trong tủ lạnh thường xuyên, khoảng 2 - 3 tháng/lần để tránh phát sinh vi khuẩn. Việc này còn giúp lưu thông hơi lạnh trong tủ được tốt, làm giảm hao phí điện năng. Ở một vài dòng tủ lạnh, không có tính năng tự rã đông ở ngăn đá, bạn cần xả đông định kì. Lớp tuyết dày trên 0,5 cm sẽ gây cản trở sự lưu thông không khí trong ngăn đá.