Vì sao có sự nóng lên toàn cầu?
Cuộc cách mạng công nghiệp, mặc dù đã giúp ích cho con người phát triển kinh tế theo nhiều cách, nhưng để đạt được những tiến bộ này lại phụ thuộc vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Khi nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy, nó giải phóng một lượng lớn khí nhà kính như carbon dioxide và một lượng nhỏ khí metan và oxit nitơ.
Khí nhà kính có xu hướng hấp thụ bức xạ mặt trời và giữ nhiệt trong bầu khí quyển của trái đất. Khi ngày càng có nhiều bức xạ nhiệt được giữ lại trong bầu khí quyển, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất sẽ tăng lên. Điều này dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.
Nguyên nhân nào gây ra sự nóng lên toàn cầu?
10 nguyên nhân hàng đầu sau đây được các nhà khoa học cho rằng là tác nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu.
1. Nước thải công nghiệp
Việc sử dụng tràn lan nhiên liệu hóa thạch để sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ nhằm cải thiện cuộc sống của con người đã bắt đầu vòng xoáy đi xuống đối với môi trường. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo đó tăng lên. Ngày nay, nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch để vận hành. Điều này dẫn đến một lượng lớn carbon dioxide và các khí nhà kính khác gây ô nhiễm không khí.
2. Khí thải từ phương tiện giao thông
Mặc dù nhận thức về tác hại của khí nhà kính đã tăng lên, nhưng hầu hết phương tiện trên bộ, trên không và dưới nước vẫn tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Khi nhiên liệu hóa thạch được đốt cháy để cung cấp năng lượng cho động cơ, carbon dioxide, các khí thải và chất gây ô nhiễm có hại khác được thải vào không khí. Đây là một đóng góp lớn cho sự nóng lên toàn cầu.
3. Sản xuất điện
Trong thời đại hiện đại này, sống mà không có điện là điều không tưởng. Hầu hết quốc gia trên thế giới đều dựa vào các nhà máy nhiệt điện để tạo ra điện. Nhưng sản xuất điện thực sự có thể thực hiện được mà không cần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các phương pháp sản xuất năng lượng mới hơn (điện gió, điện mặt trời) vẫn còn chưa phát triển mạnh như kỳ vọng.
Nhiệt điện đốt than đá thải ra nhiều carbon dioxide
4. Khoan dầu
Khoan dầu (khai thác dầu thô) chiếm gần 8% lượng khí thải carbon dioxide và khoảng 30% khí metan. Hoạt động lọc dầu, chế biến dầu thô và đốt nhiên liệu hóa thạch cho các nhu cầu khác nhau, cũng tạo nhiều khí thải nhà kính và gây ô nhiễm. Giảm tác hại của sự nóng lên toàn cầu phải có phần giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cũng có nghĩa là khoan dầu ít hơn.
5. Phá rừng
Trong quá trình quang hợp, cây xanh hấp thụ carbon dioxide trong không khí do các hoạt động khác nhau của con người tạo ra. Khi con người chặt cây, phá rừng dưới “danh nghĩa” phát triển kinh tế, con người làm gia tăng lượng khí thải carbon dioxide trong không khí ở mức càng tồi tệ hơn.
6. Phát sinh chất thải
Khi dân số thế giới tăng lên, ngày càng có nhiều chất thải được tạo ra. Cho dù con người chọn phương pháp nào (đốt, chôn lấp, tự phân hủy) thì nhiên liệu hóa thạch vẫn được sử dụng cho việc đó. Hơn nữa, chính việc đốt rác thải sẽ tạo ra nhiều khí nhà kính hơn. Nếu để chất thải tự phân hủy, nó sẽ giải phóng lượng lớn khí metan, một loại khí nhà kính khác.
7. Sản xuất lương thực
Chăn nuôi gia súc, đánh bắt hải sản, hay trồng trọt, tất cả đều cần thiết để duy trì cuộc sống của dân số thế giới ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là tất cả chúng đều cần đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất, dẫn đến phát thải khí nhà kính. Chăn nuôi gia súc dẫn đến phát sinh nhiều khí metan hơn. Đánh bắt hải sản quá mức dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái biển. Quay trở lại với kỹ thuật canh tác hữu cơ được coi là cách duy nhất để chống lại vấn đề này.
8. Phân hóa học
Nhu cầu sản xuất nhiều lương thực hơn khiến con người sử dụng phân bón vô cơ (phân bón hóa học) thay cho phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, điều này đang làm tăng hàm lượng nitơ trong đất và giữ nhiệt nhiều hơn. Các phụ phẩm nông nghiệp chiếm hơn 60% oxit nitơ, một loại khí nhà kính.
9. Vòng đời tiêu dùng ngắn
Những tiến bộ công nghệ và internet đã giúp con người có được thứ mình muốn chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng lên, sản xuất cũng tăng lên. Khi vòng đời của các sản phẩm tiêu dùng ngày càng ngắn lại, các sản phẩm trở nên lãng phí trong một thời gian ngắn. Quần áo và đồ điện tử bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt này. Điều này cũng dẫn đến việc tạo ra chất thải, một nguyên nhân khác của sự nóng lên toàn cầu.
10. Sản xuất và xây dựng
Khi sức mua của người dân tăng lên, lĩnh vực sản xuất và xây dựng làm việc thêm giờ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Thông thường, điều này dẫn đến lượng khí nhà kính khổng lồ thải ra trong quá trình này. Bên cạnh đó, còn phải kể thêm các vật liệu thải ra trong sản xuất và xây dựng đều độc hại, dẫn đến ô nhiễm đất, không khí và nước.