Động cơ điện là gì?
Động cơ điện là một thiết bị biến đổi năng lượng điện thành năng lượng cơ học, cung cấp năng lượng cơ học dưới dạng quay. Ví dụ như động cơ điện nằm trong quạt điện.
Động cơ điện có 2 phần chính là phần đứng yên (stator) và phần chuyển động (rotor) được quấn nhiều vòng dây dẫn hay có nam châm vĩnh cửu. Khi cuộn dây trên rotor và stator được nối với nguồn điện, xung quanh nó tồn tại các từ trường.
Sự tương tác giữa hai từ trường, một được tạo ra bởi nam châm ở stator và một được tạo ra bởi nam châm ở rotor, dẫn đến kết quả chuyển động quay của rotor quanh trục động cơ.
10 ví dụ về động cơ điện trong gia đình
Động cơ điện dù phân thành nhiều loại khác nhau, dựa vào nguồn điện cung cấp hay công nghệ nhưng chúng đều được ứng dụng rất nhiều trong đời sống hằng ngày. Sau đây là 10 ví dụ về ứng dụng động cơ điện sử dụng trong gia đình.
1. Quạt điện. Khi gắn phích cắm quạt điện vào ổ cắm điện, dòng điện làm cho động cơ điện quay, dẫn tới cánh quạt quay, tạo ra hiệu ứng làm mát.
2. Máy xay sinh tố. Khi được cấp điện, động cơ điện của máy xay sẽ làm trục quay và truyền chuyển động đến phần lưỡi dao để cắt và nghiền nhỏ thực phẩm.
3. Máy giặt. Máy giặt cần một động cơ công suất lớn để thực hiện quay lồng giặt, làm sạch quần áo. Đối với máy lồng đôi có lồng giặt và lồng sấy quay thì cần có hai động cơ.
4. Máy hút bụi. Khi bật điện, động cơ điện dẫn động một chiếc quạt gây ra sự thay đổi áp suất, tạo ra lực hút để hút bụi bẩn trên sàn và thảm.
5. Máy sấy tóc. Khi máy sấy tóc kết nối với nguồn điện, động cơ điện làm quay bộ phận quạt, tạo ra lực hút lấy không khí từ bên ngoài vào trong máy. Không khí hút vào, đi qua dây maiso tạo ra luồng gió có nhiệt nóng.
6. Máy rửa bát. Động cơ điện trong máy rửa bát có tác dụng bơm nước, tạo áp lực để làm sạch bát, đĩa trong máy rửa bát của bạn.
7. Máy bơm nước. Máy bơm nước gồm hai phần chính là động cơ điện và đầu bơm. Khi được cấp điện, động cơ điện hoạt động giúp máy bơm hút, tạo ra dòng chảy liên tục giúp vận chuyển nước.
8. Lò vi sóng. Động cơ điện rất nhỏ trong lò vi sóng, giúp xoay chầm chậm bàn xoay đặt thức ăn khi lò vi sóng bắt đầu quá trình làm nóng.
9. Máy đọc đĩa (máy chơi CD hay DVD). Động cơ điện bên trong máy, khi có điện sẽ giúp quay đĩa và vận hành khay chứa đĩa.
10. Tủ lạnh. Tủ lạnh cần động cơ điện nhỏ để vận hành máy nén, bộ phận quan trọng thực hiện chu trình làm mát cho tủ lạnh. Bên cạnh đó, tủ lạnh còn có quạt tản nhiệt ở dàn nóng, quạt gió ở dàn lạnh.
Ngoài ra, một số thiết bị điện khác cũng cần có động cơ điện để vận hành, như máy khoan, máy cưa gỗ, máy cắt cỏ, máy xay cà phê,…