20 sự thật thú vị sau đây cho bạn thấy vai trò của đèn giao thông ở một số quốc gia trên thế giới.

01. Đèn giao thông đầu tiên được lắp đặt ở London (Anh) vào tháng 12/1868, được phát minh bởi kỹ sư người Anh J.P. Knight. Đèn tín hiệu thắp sáng bằng gas với màu xanh và đỏ, do cảnh sát điều khiển bằng tay. Nhưng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chưa đầy hai tháng sau, đèn giao thông phát nổ.

02. Đèn giao thông đầu tiên hoạt động bằng điện được lắp đặt ở Cleveland, Ohio (Hoa Kỳ) vào năm 1914. Đèn có màu xanh và đỏ, có còi để cảnh báo người lái xe khi đèn sắp chuyển. Năm 1920, thành phố Detroit và New York (Hoa Kỳ) thêm màu vàng vào giữa màu xanh và đỏ.

03. Công ước đầu tiên về thống nhất tín hiệu đường bộ được ký tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30/3/1931. Mục tiêu nhằm tăng cường an toàn giao thông đường bộ, tạo thuận lợi cho việc di chuyển với hệ thống tín hiệu đường bộ thống nhất. Kể từ đó, đèn giao thông có ba màu đỏ, vàng, xanh trở thành tiêu chuẩn trên thế giới, dù có các biến thể ở mỗi quốc gia.

04. Màu đỏ được chọn để “dừng” vì nó có bước sóng dài nhất, khiến nó có thể nhìn thấy được từ khoảng cách xa hơn.

05. Màu xanh được chọn để “đi” vì nó dễ phân biệt với màu đỏ và màu vàng, giảm sự nhầm lẫn.

06. Màu vàng được chọn để báo hiệu “thận trọng”, giúp người lái xe có thời gian chuẩn bị dừng lại. Đèn vàng được giới thiệu vào những năm 1920.

07. Vào những năm 1950, một số đèn giao thông được trang bị cảm biến để phát hiện sự hiện diện của các phương tiện, cho phép điều khiển giao thông linh hoạt, giảm thời gian chờ đợi không cần thiết.

08. Ngoài các tín hiệu cơ bản (đỏ, vàng, xanh) xuất hiện tuần tự, một số đèn giao thông còn có thể gồm đèn nhấp nháy, đèn dành cho người đi bộ và đèn tín hiệu rẽ.

09. Ở Nhật Bản, đèn xanh (green) thường ám chỉ đến màu xanh dương (blue) vì lý do lịch sử và ngôn ngữ.

10. Ở Anh, màu vàng trên bộ ba đèn tín hiệu giao thông, được thay thế bằng màu hổ phách (amber).

11. Thị trấn Akureyri phía bắc của Iceland đã có ý tưởng thay thế đèn màu đỏ hình tròn bằng hình trái tim. Thông qua ý tưởng lãng mạn gây tò mò này, chính quyền Akureyri muốn người đi bộ và người lái xe chú ý hơn đến đèn giao thông nhằm giảm số vụ tai nạn.

12. Đèn giao thông ở Berlin (Đức) có hình nhân vật khá ngộ nghĩnh, gọi là Ampelmännchen. Khi hình nhân vật màu đỏ dang tay ra, có nghĩa là không được băng qua. Nếu hình nhân vật màu xanh sáng lên và bước tới thì bạn được phép đi qua.

13. Ở Hà Lan, một số đèn giao thông có nút để người đi xe đạp yêu cầu đèn xanh, thúc đẩy giao thông thân thiện với xe đạp.

14. Đèn giao thông tồn tại lâu đời nhất được ghi vào Kỷ lục Guiness thế giới, được lắp đặt tại một ngã ba ở Ashville, Ohio (Hoa Kỳ) vào năm 1932 và hoạt động liên tục cho đến năm 1982. Đèn hiện được trưng bày bên trong Bảo tàng Thị trấn nhỏ của Ohio.

15. Đèn giao thông cao nhất thế giới nằm ở Syracuse, New York (Hoa Kỳ). Nó cao khoảng 17 mét (56 feet).

16. Con đường hẹp nhất Praha (CH Séc) cũng có đèn giao thông riêng. Con đường gần cầu Charles và bảo tàng Kafka, có chiều rộng chỉ 50 cm là lý do tại sao đèn giao thông cũng được lắp đặt để điều tiết dòng người. Thực tế, đèn giao thông này là điểm thu hút khách du lịch hơn.

17. Ở một số vùng của Ấn Độ, Việt Nam, đèn giao thông có đồng hồ đếm ngược cho biết còn bao nhiêu giây trước khi đèn chuyển màu, giúp người lái xe dự đoán được sự thay đổi.

18. Hầu hết đèn giao thông ngày nay sử dụng đèn LED, tiết kiệm năng lượng hơn, tuổi thọ cao hơn và khả năng hiển thị tốt hơn so với bóng đèn sợi đốt truyền thống.

19. Bằng cách tối ưu hóa luồng giao thông, đèn giao thông giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải từ các phương tiện chạy không tải, góp phần làm sạch không khí hơn.

20. Quản lý tín hiệu giao thông hiệu quả có thể giảm thời gian đi lại và chi phí nhiên liệu cho người lái xe, dẫn đến tiết kiệm kinh tế trên quy mô lớn.