Tiếp nối thành công của lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu năm 1973, Israel sẽ bắt buộc tất cả tòa nhà mới, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, nhằm tăng cường an ninh năng lượng và hiệu quả sử dụng đất.

Trong động thái nhằm thúc đẩy năng lượng sạch, Chính phủ Israel sẽ yêu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên tất cả mái nhà của tòa nhà văn phòng, công trình công cộng, nhà ở gia đình mới, với công suất tối thiểu 5 kW, bắt đầu từ tháng 12/2025.

Theo quy định mới, tất cả công trình phi nhà ở mới có diện tích mái lớn hơn 250 m2 và tất cả nhà ở gia đình riêng lẻ mới có mái lớn hơn 100 m2 sẽ phải lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà như một phần của quy trình cấp phép xây dựng.

Quy định mới này nhằm bổ sung cho Chương trình 100.000 mái nhà năng lượng mặt trời vừa khởi động gần đây, với mục tiêu bổ sung 1,6 GW công suất điện mặt trời năm 2030 và tăng thêm khoảng 3,5 GW năm 2040, đủ để cung cấp điện cho khoảng 550.000 hộ gia đình mỗi năm.

Israel là quốc gia đầu tiên áp dụng bắt buộc lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời ở các tòa nhà mới, nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu những năm 1970. Hiện nay, khoảng 4% điện năng của nước này tiết kiệm hằng năm nhờ sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời.

Chính quyền hiện tiếp nối điều này bằng việc ban hành quy định về điện mặt trời trên mái nhà, vì họ thấy điều này góp phần tăng cường độc lập về năng lượng của đất nước, cho phép sử dụng năng lượng sạch ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, do nguồn tài nguyên đất đai hạn chế của Israel.

Chính phủ Israel đặt mục tiêu sản xuất 30% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Sau khi lắp đặt mới khoảng 900 MW công suất điện mặt trời năm 2024, tổng công suất điện mặt trời của quốc gia này đạt 5,36 GW cuối tháng 12/2024.

Trước đó, tháng 3/2025, Israel cũng phê duyệt một sửa đổi để miễn giấy phép xây dựng cho các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà dân dụng, cũng như các cơ sở lưu trữ nhỏ, nhằm bổ sung thêm 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà mới năm 2030.

Tuy nhiên, quy định mới cũng loại trừ đối với một số loại công trình nhất định như: công trình bổ sung cho các công trình được chỉ định để bảo tồn; công trình hoàn toàn nằm dưới lòng đất hoặc có mái không cao hơn hai mét so với mặt đất xung quanh; công trình có giá trị kiến trúc độc đáo có thể bị ảnh hưởng bởi việc lắp đặt…