Mỗi loại thực phẩm đều có cách bảo quản riêng để giữ chúng tươi ngon, nhiều chất dinh dưỡng nhất có thể. Tất cả thực phẩm đều có hạn sử dụng của nó. Vì vậy, trước khi cho mọi thứ vào tủ lạnh, hãy tìm hiểu bảo quản thực phẩm thế nào là tốt nhất, để an toàn cho các thành viên trong gia đình của mình nhé.

1. Khoai tây. Cho khoai tây vào tủ lạnh, nó sẽ chuyển hóa tinh bột của chúng thành đường, ảnh hưởng đến hương vị của chúng. Khoai tây nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát để có hương vị tối đa.

2. Khoai lang. Khoai lang cũng cần nơi mát, tránh ánh sáng mặt trời. Để khoai lang trong tủ lạnh sẽ làm chúng trở nên cứng hơn, cần nấu lâu hơn và có thể thay đổi hương vị. Để khoai lang trong tủ lạnh còn khiến tinh bột của chúng chuyển thành đường, điều này làm món khoai chiên có vị ngọt khó chịu.

3. Cà chua. Cho cà chua vào tủ lạnh sẽ làm cà chua mất đi hương vị tự nhiên. Hơi lạnh khiến cà chua không thể chín hoàn toàn trong tủ lạnh, làm cà chua không còn mọng nước, thậm chí bị mềm đi. Chúng nên được đặt trong các rổ, để nơi khô ráo, có nhiệt độ vừa đủ.

4. Cà tím. Cà tím không chịu được nhiệt độ thấp. Trong tủ lạnh, cà tím sẽ trở nên mềm và mất đi những chất dinh dưỡng tốt nhất của nó. Cà tím sẽ ở trạng thái tốt nhất khi được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh xa ánh nắng mặt trời và được sử dụng trong vòng hai ngày sau khi mua.

5. Dưa chuột. Bạn muốn cho dưa chuột vào tủ lạnh để kéo dài thời hạn sử dụng, nhưng điều này sẽ khiến chúng hỏng nhanh hơn. Dưa chuột chứa nhiều nước nên trong tủ lạnh có thể đông lạnh bên trong dưa chuột, khiến chúng bị mềm sũng. Để giữ dưa chuột tươi, hãy để chúng nơi khô ráo, ở nhiệt độ phòng. Nếu bạn thích bữa ăn có dưa chuột mát lạnh, bạn có thể bảo quản chúng trong tủ lạnh vài giờ trước khi dùng.

6. Hành tây. Hành tây sẽ mất hết hương vị khi để trong tủ lạnh. Nhiệt độ lạnh còn làm hành tây chuyển mềm và mốc đi. Hành tây cần khí hậu ấm một chút để giữ được độ tươi. Nếu có nhiều hành, bạn có thể buộc chúng lại và treo lên, hoặc để trong hộp đặt nơi khô thoáng.

7. Tỏi. Nhiệt độ quá lạnh của tủ lạnh sẽ làm tỏi mất đi hương vị, tạo thêm độ ẩm và sẽ bị mốc. Chưa kể, toàn bộ tủ lạnh của bạn sẽ có mùi tỏi! Khi được bảo quản đúng cách, nó có thể sử dụng tốt trong nhiều tháng, hãy giữ tỏi ở nơi khô ráo và thoáng mát như ngăn tủ đựng thức ăn.

8. Ớt chuông đỏ. Để giữ cho ớt chuông đỏ tươi và mọng nước, chỉ cần bảo quản chúng ở nơi tối và thoáng mát, sử dụng chúng trong vòng ba hoặc bốn ngày. Tránh cho chúng vào tủ lạnh vì độ lạnh và độ ẩm sẽ khiến chúng bị mốc nhanh hơn.

9. Húng quế. Húng quế là loại thảo mộc cần thời tiết ấm áp, cái lạnh sẽ làm mất đi hương vị của chúng, nó sẽ chuyển sang màu nâu và hư nhanh hơn khi được bảo quản trong tủ lạnh. Để húng quế luôn tươi, bạn hãy cho nó vào một cốc nước và thay nước vài ngày một lần.

10. Bạc hà. Không nên đặt bạc hà trong tủ lạnh hoặc dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp. Không khí lạnh khiến nó dễ bị vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Bạc hà được giữ tốt nhất ở nhiệt độ phòng.

11. Dưa muối, dưa chua. Một trong những thực phẩm có thể bảo quản cả trong và ngoài tủ lạnh là dưa chua. Dưa nằm trong lọ đầy muối và giấm, có nghĩa là chúng được bảo quản tốt và tránh được mọi vi khuẩn. Chúng có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng và vẫn tươi lâu. Nếu thích dưa chua lạnh, bạn có thể bảo quản chúng trong tủ lạnh vài giờ trước khi sử dụng.

12. Dầu ăn. Bảo quản dầu ăn trong tủ lạnh sẽ khiến dầu cứng lại và mất đi độ mịn. Tốt nhất là giữ dầu trong ngăn tủ thực phẩm hoặc ngăn tủ bếp.

13. Dầu ô liu. Dầu ô liu là một trong những loại dầu tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn để nó trong tủ lạnh, nó sẽ tạo thành tinh thể, đổi màu và bắt đầu đông lại. Điều này không nguy hiểm nhưng sẽ mất thời gian để trở lại trạng thái lỏng. Việc chuyển trạng thái lặp đi, lặp lại nhiều lần có thể giảm thời hạn sử dụng. Hãy để dầu ô liu trong ngăn tủ thực phẩm ở phòng bếp.

14. Mù tạt. Hầu hết mọi người có thói quen để mù tạt trong tủ lạnh, nhưng điều đó thực sự không cần thiết. Mù tạt chứa axit và sẽ tự bảo quản mà không cần tủ lạnh. Mù tạt vẫn sẽ tốt trong tối đa một tháng khi được giữ ở nhiệt độ phòng.

15. Nước tương (xì dầu). Nước tương sẽ không bị hỏng trong tủ lạnh, nhưng nó sẽ thay đổi kết cấu và hương vị. Nếu bạn từng đến một số nhà hàng, bạn sẽ thấy nước tương luôn được để trên bàn, ở nhiệt độ phòng. Nó chứa natri, hoạt động như một chất bảo quản tự nhiên. Chỉ cần chắc chắn rằng nắp được đậy kín để ngăn không khí lọt vào.

16. Nước sốt salad. Một số loại nước sốt salad có dầu, chẳng hạn như dầu giấm, không cần phải cho vào tủ lạnh. Hơi lạnh sẽ khiến kết cấu và hương vị bị thay đổi. Chúng được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ phòng để có vị thơm ngon. Nhưng các loại nước sốt có kem và bơ sữa sẽ cần được bảo quản trong tủ lạnh.

17. Nước sốt cà chua (tương cà). Nhiều người để nước sốt cà chua trong tủ lạnh chỉ do thói quen. Trong khi nước sốt cà chua hoàn toàn an toàn khi để trong ngăn tủ bếp do tính axit tự nhiên của nó, giúp giữ nước sốt cà chua được lâu và ngăn vi khuẩn xâm nhập.

18. Nước sốt cay (tương ớt). Nhiều người tin rằng, các loại nước sốt cay nên được bảo quản trong tủ lạnh để giữ được hương vị tươi ngon. Tuy nhiên, các loại nước sốt cay có các thành phần như ớt, giấm, đường, muối,... đều là những chất bảo quản tốt, dù ở nhiệt độ phòng.

19. Giấm. Một chai giấm sẽ dùng được trong nhiều tháng miễn là nó được giữ ở nơi tối như tủ bếp. Làm lạnh giấm có thể kéo dài thời hạn sử dụng, nhưng giấm sẽ mất hương vị theo thời gian. Do tính chất axit của nó, tốt nhất nên giữ ở nơi mát, tối và khô.

20. Bơ phết (bơ đậu phộng, bơ sô cô la…). Các loại bơ để phết lên bánh mì không cần phải để trong tủ lạnh. Khi bảo quản trong tủ lạnh, bơ sẽ khô và đông lại thành một khối. Điều này khiến bơ không dễ phết lên bánh mì, trong khi bạn hâm nóng có thể khiến nó không sử dụng được. Hãy bảo quản bơ trong ngăn tủ thức ăn ở nhiệt độ phòng và tránh xa nguồn nhiệt. Bơ có thể giữ trong tủ thức ăn trong nhiều tháng mà không hư nhưng bạn nhớ kiểm tra hạn sử dụng.

21. Mật ong. Mật ong là thực phẩm giàu protein và rất bổ dưỡng. Nó có thể thay đổi màu sắc, nhưng thành phần đường bên trong nó sẽ ngăn vi khuẩn phát triển. Bảo quản mật ong trong tủ lạnh sẽ khiến mật ong bị kết tinh và cứng lại. Để mật ong luôn mềm và sóng sánh, bạn hãy bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát như tủ bếp. Mật ong gần như không hết hạn sử dụng và sẽ tươi ngon nếu bảo quản đúng cách.

22. Mứt phết. Mứt có nhiều đường và chất bảo quản nên không cần bảo quản trong tủ lạnh. Nếu bạn cho mứt vào tủ lạnh, độ lạnh và độ ẩm có thể làm thay đổi kết cấu và hương vị của mứt. Mứt được lưu trữ tốt nhất trong tủ thực phẩm, có hạn dùng sáu tháng nếu được bảo quản đúng cách, nhưng để có hương vị tối ưu, tốt nhất nên dùng trong vòng một tháng sau khi mở.

23. Sô cô la. Để ngoài không khí, thanh sô cô la có thể tan chảy. Vì thế bạn thường đặt sô cô la trong tủ lạnh để giữ nó ở dạng rắn. Nhưng làm thế này, cũng sẽ làm hỏng mùi và vị của sô cô la vì nó có thể hấp thụ các mùi khác trong tủ lạnh. Nhiệt độ lạnh còn dẫn tới sự xuất hiện các chấm trắng trên bề mặt của sô cô la do hơi nước đông lại. Điều này làm thanh sô cô la nhìn không còn hấp dẫn nữa. Hãy bảo quản sô cô la ở nơi ít ánh sáng, khô ráo.

24. Cà phê. Để có được hương vị cà phê ngon nhất, hãy giữ cà phê trong hộp đậy kín ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời. Bảo quản cà phê trong tủ lạnh không phải là ý kiến hay vì cà phê sẽ hút ẩm, cà phê có mùi của các thành phần khác được bảo quản cùng với nó, vì vậy hương vị sẽ bị nhạt nhẽo.

25. Gia vị. Các loại gia vị nên được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh lạnh và ẩm. Để gia vị trong tủ lạnh sẽ làm thay đổi mùi và vị của chúng, đồng thời khiến chúng dễ bị vi khuẩn và nấm mốc xâm nhập.

26. Quả có múi (bưởi, cam, quýt,…). Bưởi, cam, quýt chứa nhiều vitamin và các chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động của hệ thống miễn dịch của bạn. Bưởi, cam mát lạnh có vẻ hấp dẫn, nhưng thực sự tốt hơn nhiều nếu giữ chúng ở nhiệt độ phòng, có thể duy trì trong khoảng một tuần. Điều này giữ được độ mọng nước và hỗ trợ quá trình chín. Tủ lạnh sẽ làm quả khô và cứng lại.

27. Táo. Quả táo còn nguyên, sẽ tươi, giữ được độ ngon ngọt trong khoảng năm ngày nếu được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Khi bạn cho chúng vào tủ lạnh, chúng sẽ khô và mất hương vị. Nếu quả táo đã cắt, bạn cần cho vào hộp đậy kín và để trong ngăn mát tủ lạnh.

28. Đu đủ. Không nên cho đu đủ vào tủ lạnh vì nó hấp thụ các hương vị xung quanh. Độ lạnh cũng có thể làm đu đủ khô lại và không sử dụng được. Đu đủ nên được giữ ở nhiệt độ phòng và sử dụng trong vòng ba ngày.

29. Bơ. Quả bơ khi mới hái hoặc mới mua về, thường chưa chín hoàn toàn. Đặt quả bơ chưa chín vào tủ lạnh, sẽ làm chậm quá trình chín và cuối cùng làm hỏng nó. Trong khi bạn đặt quả bơ chưa chín trên bàn ở nhiệt độ phòng, nó sẽ chín nhanh hơn! Đối với quả bơ đã chín, bạn có thể để trong tủ lạnh vì nhiệt độ thấp sẽ làm chậm quá trình bị hỏng.

30. Chuối. Chuối sẽ không chín nếu bạn đặt chúng trong tủ lạnh. Cái lạnh sẽ khiến lớp vỏ chuối chuyển sang màu nâu; chúng vẫn ăn được, nhưng nhìn không còn hấp dẫn. Thay vào đó, hãy bảo quản chúng ở nhiệt độ phòng. Giống như các loại thực phẩm nhiệt đới, chuối cần hơi ấm để chín. Tất nhiên, nếu bạn biết làm kem chuối, bỏ vào tủ lạnh, bạn sẽ có một loại kem ngon.

31. Lê. Lê cần nhiệt độ phòng ổn định để hoàn thành quá trình chín. Việc bảo quản trong tủ lạnh sẽ làm cho quả lê bị mềm đi và không có hương vị. Nếu bạn muốn quả lê giòn và có hương vị, hãy để chúng trên tủ, kệ và sử dụng trong vòng vài ngày.

32. Dưa hấu. Trong dưa hấu có chứa các chất chống oxy hóa, có khả năng ngăn ngừa một số bệnh. Khi được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, hoạt tính của các chất này có thể bị giảm, đồng thời dưa hấu có thể bị úng dẫn đến hư hỏng. Với dưa hấu nguyên quả, bạn chỉ cần để ở nơi thoáng mát, khô ráo. Nếu dưa hấu đã cắt ra, bạn cho vào hộp kín, cất trong tủ lạnh 3 - 4 ngày.

33. Ngô (bắp). Ngô chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng nếu trữ trong tủ lạnh, độ lạnh và độ ẩm có thể làm thay đổi hương vị và khiến nó mất đi vị ngọt.

34. Ngũ cốc. Một số người có thói quen đặt ngũ cốc trong tủ lạnh. Điều này làm cho ngũ cốc kém giòn hơn và giảm hương vị. Nếu bạn lo lắng về bọ và các loại côn trùng, hãy đóng chặt túi ngũ cốc và để hộp ngũ cốc ở nơi khô ráo như tủ đựng thức ăn.

35. Trái cây sấy khô. Để trái cây sấy khô trong tủ lạnh làm chúng cứng lại, mất hương vị, khiến bạn khó ăn hơn. Hãy để nó trong tủ đựng thức ăn để có món ăn nhẹ nhanh chóng và dễ nhai hơn nhiều so với khi để trong tủ lạnh. Cách tốt nhất là bạn đặt chúng trong hộp kín và cất ở tủ đựng thức ăn.

36. Các loại hạt khô. Mặc dù trữ trong tủ lạnh ngăn không cho tinh dầu tự nhiên trong các loại hạt bị ôi nhưng nhiệt độ lạnh có thể làm giảm hương vị tự nhiên của hạt. Các loại hạt cũng có xu hướng hấp thụ mùi từ thực phẩm khác trong tủ lạnh. Tốt nhất nên cho hạt vào trong lọ đậy kín nắp và bảo quản tại nhiệt độ phòng.

37. Bánh mì. Bảo quản bánh mì trong tủ lạnh không phải là cách tốt nhất. Tại nhiệt độ thấp, nước dễ dàng bốc hơi, bánh mì sẽ nhanh chóng trở nên khô cứng, nhanh hỏng hơn. Bánh mì được bảo quản tốt nhất trong túi nhựa kín, ở nhiệt độ phòng.

38. Bánh nướng, bánh rán. Cho bánh rán vào tủ lạnh khiến chúng bị xìu đi và có thể hư. Nếu bạn muốn để dành chúng cho một ngày sau đó, hãy bọc kín lại và giữ chúng ở nhiệt độ phòng. Chỉ cần lưu ý rằng, bánh rán sẽ không tồn tại lâu hơn hai hoặc ba ngày. Đó là lý do bạn nên ăn chúng càng sớm càng tốt!

39. Cơm. Cơm nấu chín, không ăn hết, có thể bạn sẽ cất trong tủ lạnh! Bạn có thể bỏ chúng vào hộp kín rồi cho vào tủ lạnh với nhiệt độ dưới 5 độ C. Tuy nhiên, cách này chỉ bảo quản cơm trong khoảng 24 giờ! Vượt quá thời gian này, bạn không nên ăn. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về màu sắc hoặc mùi, hãy vứt bỏ.

40. Cá ngừ đóng hộp, có thời hạn sử dụng từ 2 đến 3 năm, nhưng chỉ khi bạn bảo quản đúng cách. Khi cho hộp cá ngừ vào tủ lạnh, sẽ làm đông cứng dầu trong cá ngừ, khiến cá bị mất hương vị. Hãy bảo quản cá ngừ đóng hộp trong tủ tối, mát và tránh xa mọi nguồn nhiệt. Sau khi mở, nên được bảo quản trong hộp kín, cho vào tủ lạnh, có thể sử dụng trong 2-3 ngày.

* Một điểm lưu ý chung, nếu như trên thực phẩm đóng gói sẵn có ghi thời hạn sử dụng, bạn nên chú ý thông tin này để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Không nên chủ quan tin tưởng vào cấp đông thực phẩm để sử dụng thực phẩm quá hạn.