Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 2/5/2020. Quyết định này thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019.
Dù chính sách bị chững lại 10 tháng, nhưng các quy định trong Quyết định 13/2020/QĐ-TTg vẫn thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân gia tăng đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), góp phần tăng nguồn cung cấp điện tại chỗ,
Ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Sự phát triển rất nóng ĐMTMN, khiến sau đó, Bộ Công Thương có Công văn số 7088/BCT-ĐL (ngày 22/9/2020) hướng dẫn một số trường hợp cụ thể phát sinh trong thực tế mà cả bên mua (EVN) và bên bán (chủ các hệ thống ĐMTMN) đều gặp lúng túng, nhất là hệ thống ĐMTMN của trang trại chăn nuôi, trồng trọt, đầm nuôi trồng thủy sản…
Đặc biệt, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020, đến nay chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương.
EVN cho hay, các Công ty Điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.
Dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á
Trong vòng một tháng, kỷ lục nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á vừa thiết lập, nhanh chóng bị phá vỡ.
Ngày 15/11/2020, Tập đoàn Xuân Thiện đấu nối và đóng điện thành công trạm biến áp 500kV nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay.
Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp giai đoạn 1 có gần 2 triệu tấm pin mặt trời, công suất 831 MWp, trạm biến áp 500 kV/1.200 MVA. Với công suất 2 x 600MVA, trạm biến áp này phục vụ giải tỏa công suất cho giai đoạn 1 và sẵn sàng phục vụ cho một phần công suất khoảng 600/1.400MW của giai đoạn 2 dự án.
Trước đó, kỷ lục nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á thuộc về dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW cùng hệ thống trạm biến áp, truyền tải 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, khánh thành vào tối 12/10/2020. Dự án đặt tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đầu tư.
Thu hút các đại gia lớn
Không chỉ các đại gia trong ngành (như EVN, PV Power,…) mà các tập đoàn đa ngành nay đều thấy đầu tư vào điện mặt trời là thị trường hấp dẫn. Năm 2020, chứng khiến các dự án đầu tư lớn liên tiếp được giới thiệu bởi các công ty, tập đoàn lớn như: T&T, Xuân Thiện, Trung Nam, Sao Mai, BIM, Trường Thành, REE…
Tuy nhiên, khi dự án vào hoạt động, các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời cũng phải đối mặt với không ít rủi ro. Ở đầu vào là yếu tố biến động thời tiết, mưa nhiều, ít nắng, nhà máy sẽ không phát huy hết công suất. Ở đầu ra, những nhà máy gặp phải vấn đề quá tải đường dây truyền tải, có thể phải xả bỏ nhiều công suất.
Dự án điện mặt trời BIM tại Ninh Thuận
Nhà đầu tư nước ngoài lấn sân
Xu hướng đáng chú ý gần đây là nhiều doanh nghiệp Việt Nam xin cấp phép, đầu tư dự án năng lượng tái tạo, sau đó hoàn thành các thủ tục đầu tư, kêu gọi nguồn vốn ngoại thông qua hình thức liên doanh, hoặc chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác nước ngoài.
Sự tăng trưởng nhanh của thị trường năng lượng tái tạo cho thấy sức hấp dẫn của đầu tư điện mặt trời ở Việt Nam trong năm 2020. Nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Philippines, Mỹ, Đức... đã tham gia, thực hiện sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần, liên doanh.
Vấn đề an toàn của tấm pin mặt trời
Ngày 23/9/2020, 60 tấm pin mặt trời (120 m2) trên mái nhà xưởng của Công ty cổ phần Điện Gia Lai bất ngờ bốc cháy và hư hại. Ngày 13/12/2020, hệ thống điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH Phú Lợi Hưng (làng Ia Tong, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) cũng đột nhiên bốc cháy.
Trước nguy cơ cháy nổ từ hệ thống điện mặt trời áp mái, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an đã ban hành công văn hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái.
Bên cạnh đó, cả nước có hàng chục triệu tấm pin mặt trời được lắp đặt, đang hoạt động. Sau 20-25 năm, các tấm pin này sẽ hết vòng đời sử dụng. Việc xử lý các tấm pin mặt trời “hết date” đang có nhiều ý kiến khác nhau, hiện chưa có tiêu chuẩn để xử lý các tấm pin này.