Lãng phí công suất. Với sự phát triển các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng, ý nghĩa “công suất bóng đèn càng cao, đèn càng sáng” không còn đúng nữa. Khi bật đèn, bên cạnh phát sáng, bóng đèn còn tỏa ra một lượng nhiệt. Các loại đèn tiết kiệm năng lượng (như đèn LED, đèn compact) không mất nhiều năng lượng do tỏa nhiệt (như đèn sợi đốt) nên hiệu quả hơn, ít tốn điện hơn. Ngày nay, người ta dùng lumen là đơn vị đo lượng ánh sáng phát ra từ bóng đèn. Số lumen càng cao thì bóng đèn càng sáng. Trong khi đó, công suất của bóng đèn càng cao, càng tốn nhiều điện.
Thiết kế đèn chiếu sáng không hợp lý. Đèn chiếu sáng được thiết kế không bố trí tập trung vào nơi cần ánh sáng mà phân bổ vào các khu vực không cần thiết, chẳng hạn như chiếu sáng ngang, chiếu sáng ngược lên trời.
Độ sáng quá mức. Bạn có thấy, cài đặt chế độ màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay có độ sáng quá mức, pin sẽ nhanh hết không. Tương tự như vậy, màn hình tivi, máy tính để bàn cũng sẽ tốn điện hơn nếu bạn cài đặt độ sáng quá mức. Chưa kể, độ sáng quá mức có thể làm hại mắt nếu tập trung theo dõi lâu.
Ánh sáng màn hình quảng cáo. Vào khoảng thời gian ban đêm, khi không còn mật độ người đông đúc trên đường, hay nói khác đi là đường vắng lặng, không bóng người đi qua, các màn hình quảng cáo vẫn chạy liên tục, sẽ lãng phí ánh sáng, kéo theo lãng phí điện vô ích.
Không có người sử dụng trong phòng. Đèn sáng trưng trong căn phòng mà không có người làm việc hay học tập, là một kiểu gây lãng phí điện. Bạn nên tập thói quen tắt đèn khi không còn sử dụng hay trước khi ra khỏi phòng.