Bếp điện từ (hay nói gọn là bếp từ) sử dụng từ trường để kích hoạt các dòng điện nhỏ trong nồi, chảo có nhiễm từ, làm nồi, chảo nóng lên. Từ trường cảm ứng được tạo ra thông qua một cuộn dây được đặt dưới tấm kính dày của bếp. Bản thân bếp không nóng, ngoại trừ khi tiếp xúc với nồi, chảo phù hợp bếp từ. Điều này có nghĩa là không có nhiệt lãng phí.

Bếp từ tiện dụng, hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm điện khi nấu ăn. Nhưng bạn phải chú ý việc sử dụng bếp từ đúng cách để an toàn, tiết kiệm và tăng độ bền cho bếp. Bạn hãy lưu ý 5 nguyên tắc sau đây khi sử dụng bếp từ:

Nấu ở nhiệt độ vừa phải

Từ trường từ bếp truyền qua chính xác ngay đáy nồi, chảo, không tỏa nhiệt ra xung quanh nên tốc độ làm nóng nồi, chảo của bếp từ rất nhanh. Nếu bạn mới bắt đầu đặt nồi, chảo lên bếp, mà bật bếp ở nhiệt độ quá cao có thể làm nồi, chảo bị cháy. Vì thế, lúc mới bắt đầu nấu, nên để nhiệt độ vừa phải cho an toàn.

Nên nấu ở nhiệt độ vừa phải, tránh nấu ở nhiệt độ cao liên tục bởi việc duy trì mức công suất cao kéo dài khi dùng bếp từ là không cần thiết, dễ gây quá tải, giảm tuổi thọ của bếp.

Nếu bạn sử dụng bếp từ đơn (mặt bếp chỉ có 1 bếp), khi nấu xong một món nào đó ở nhiệt độ cao, nên tắt bếp nghỉ một chút rồi tiếp tục nấu món khác.

Sử dụng đúng loại nồi, chảo

Nguyên lý hoạt động của bếp từ là tạo ra nguồn nhiệt bằng dòng điện cảm ứng từ. Bếp tạo ra cảm ứng từ và chỉ đốt nóng phần đáy nồi, chảo, nên hiệu suất hoạt động cao.

Nên chọn nồi, chảo bằng inox có đáy từ hay từ tính. Không nên sử dụng chảo nhôm vì loại chảo này không phù hợp khi dùng bếp từ.

Bạn cũng nên chọn kích thước đáy nồi, chảo phù hợp với kích thước mặt bếp, để thu nhận tốt nhiệt của bếp phát ra, tránh lãng phí nhiệt.

Mặt đáy nồi, chảo không bằng phẳng cũng làm nồi, chảo không nhận được nhiệt phát ra từ bếp.

Không tắt nguồn điện ngay sau khi sử dụng

Đây là một trong những nguyên nhân khiến bếp từ nhanh hư hỏng nhất. Khi vừa sử dụng bếp từ xong, nhiều người có thói quen rút ngay nguồn điện ra. Thực tế thói quen này là một sai lầm tai hại.

Sau khi nấu nướng, nhiệt độ của bếp vẫn đang duy trì ở mức cao, chính vì vậy, quạt tản nhiệt ở dưới mặt bếp được cấu tạo để thúc đấy quá trình làm mát.

Nếu bạn tắt nguồn điện ngay, quạt tản nhiệt sẽ không hoạt động được, làm ngưng quá trình làm mát của bếp. Tốt nhất, sau khi bạn nhấn nút OFF để tắt bếp, hãy đợi khoảng 10 -15 phút rồi mới rút nguồn điện ra.

Không đặt bếp sát mép tường

Trong quá trình hoạt động, bếp từ sản sinh một nhiệt lượng rất lớn. Nếu đặt bếp sát mép tường, nhiệt lượng sẽ không tản ra môi trường xung quanh. Hơi nóng tích tụ lại tạo thành ẩm mốc, dễ gây hư hại cho bếp, chập mạch và hỏng hóc.

Ngoài ra, bếp từ sử dụng bức xạ sóng điện từ để làm nóng nồi, chảo. Các bức xạ sóng điện từ này có cường độ rất thấp nên hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà chỉ đủ để gây nhiễu một số thiết bị điện tử gần đó. Vì thế, không nên đặt bếp từ gần các thiết bị điện tử khác như tivi, laptop...

Không kéo nồi trên mặt bếp

Người sử dụng không nên đặt các vật dụng kim loại như dao, kéo, thìa trên mặt bếp vì những vật dụng này có khả năng dễ gây trầy xước mặt kính của bếp. Cùng với đó, không kéo lê nồi trên mặt bếp. Mặt kính bị trầy xước  sẽ làm giảm khả năng tiếp xúc, nhận nhiệt giữa bếp và vật dụng nấu.