Không thể tái tạo là gì?
Hiểu theo nghĩa đơn giản, “không thể tái tạo” là không thể phục hồi, không có khả năng được bổ sung, tồn tại với số lượng hữu hạn. Khi nói tài nguyên không thể tái tạo, có nghĩa là tài nguyên thiên nhiên tồn tại với số lượng hạn chế, không có khả năng được bổ sung.
Thực tế, phải mất hàng triệu năm để xác thực vật phân hủy, biến thành than trong điều kiện môi trường áp suất, nhiệt độ phù hợp. Nói cách khác, con người sẽ phải đợi hàng triệu năm nữa để các mỏ than mới hình thành. Nhưng với tốc độ mà con người đang sử dụng tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, các tài nguyên như than đá sẽ không được bổ sung đủ để bù với với tốc độ khai thác.
Chính vì vậy, các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, được coi là nguồn tài nguyên hữu hạn, hay nói khác đi là tài nguyên không thể tái tạo.
Năm ví dụ về tài nguyên không thể tái tạo
1. Than đá
Chất hữu cơ phân hủy trong môi trường đầm lầy, chôn lấp dưới các lớp đất đá hàng triệu năm trước, dưới tác động của địa chất, nhiệt độ, sau cùng biến thành than đá. Đây là quá trình kéo dài hàng triệu năm, nên khó có thể dự đoán trong tương lai liệu có thêm trầm tích than nào hình thành hay không.
Ấy vậy, con người vẫn đang gặp khó khăn trong việc giảm phụ thuộc vào than đá. Than đá là một trong những nhiên liệu hóa thạch được sử dụng phổ biến nhất. Các mỏ than sẽ cạn kiệt trong vài thập kỷ nữa. Bên cạnh hạn chế này, than đá còn là nguyên nhân lớn nhất phát thải khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu.
2. Dầu mỏ
Trong khi thực vật phân hủy, chuyển hóa thành than đá thì dầu mỏ lại hình thành từ động vật hóa thạch. Quá trình chuyển đổi này cũng mất hàng triệu năm và không có gì đảm bảo trong tương lai, điều kiện khí hậu tương tự sẽ lặp lại để giúp hình thành dầu mỏ. Chính vì vậy, dầu mỏ là nguồn tài nguyên không thể tái tạo.
Cũng giống như than đá, dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ là một trong những nguyên nhân lớn nhất tạo ra khí nhà kính. Dù cho các công nghệ mới trong sản xuất có cải tiến đến đâu, vẫn không thể giảm khía cạnh gây ô nhiễm của xăng dầu xuống mức có thể chấp nhận được.
3. Khí thiên nhiên
Khí thiên nhiên hình thành từ sinh vật phù du, vi sinh vật sống dưới nước khi chết, tích tụ trên đáy đại dương, dần bị chôn vùi, nén dưới các lớp trầm tích. Trải qua hàng triệu năm, áp suất và nhiệt do các lớp trầm tích chồng lên nhau tạo nên trên xác các sinh vật, chuyển hóa các chất hữu cơ này thành khí thiên nhiên. Khí thiên nhiên là hỗn hợp khí cháy được, bao gồm phần lớn các hydrocarbon. Trong khí thiên nhiên có chứa metan (CH4), etan (C2H6), propan (C3H8), butan (C4H10), pentan (C5H12).
Khí thiên nhiên, thường tìm thấy cùng với các mỏ dầu trong vỏ Trái đất, được khai thác và tinh lọc thành nhiên liệu cung cấp cho khoảng 25% nguồn cung năng lượng thế giới. Rất không may, khí thiên nhiên là tài nguyên không thể tái tạo, cũng như than đá, dầu mỏ.
4. Cát
Cát được hình thành khi đá bị phá vỡ do quá trình phong hóa và xói mòn lớp vỏ Trái đất trong hàng nghìn hoặc hàng triệu năm. Các dòng chảy liên tục bào mòn đất đá, các trầm tích đá tạo thành những hạt cát. Nên nhớ, đá không dễ bị phân hủy, đặc biệt là thạch anh và fenspat. Cát còn có thể được tạo thành từ các mảnh vụn san hô, vỏ động vật hay xác sinh vật hóa thạch.
Bất cứ thứ gì mất hàng triệu năm để hình thành đều không dễ dàng bổ sung. Đặc biệt nếu nó được sử dụng nhiều và nhanh như cát. Người ta ước tính rằng 50 tỉ tấn cát được khai thác hằng năm trên toàn thế giới để đáp ứng nhu cầu của con người. Cát là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, sớm muộn gì cũng sẽ cạn kiệt.
5. Đất hiếm
Đất hiếm hay còn gọi là nguyên tố đất hiếm (Rare Earth Elements - REE) là một nhóm gồm 17 nguyên tố kim loại, có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Các nguyên tố đất hiếm này có nhiều đặc tính giống nhau, khiến chúng được tìm thấy cùng nhau trong các trầm tích địa chất.
Đất hiếm được xem là “năng lượng của đồ công nghệ”. Chỉ cần thêm một lượng nhỏ nguyên tố đất hiếm vào sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong các thiết bị điện tử. Trong hiện tại, ứng dụng của đất hiếm đang tăng vọt với sự phát triển của lĩnh vực điện tử. Hai mươi năm trước, rất ít người sở hữu điện thoại di động, nhưng ngày nay hơn 5 tỉ người sở hữu thiết bị di động. Điều đó cho thấy tốc độ khai thác, sử dụng đất hiếm tăng mạnh như thế nào.
Trữ lượng đất hiếm thì hữu hạn, nhu cầu tái chế thì không thể bù đắp đủ nên các nguyên tố đất hiếm là nguồn tài nguyên không thể tái tạo.