Vệ sinh sạch bụi cuộn dây ngưng của tủ lạnh

Cuộn dây ngưng đặt ở mặt sau của tủ lạnh. Mục đích của cuộn dây ngưng trong tủ lạnh là loại bỏ nhiệt, xua tan hơi nóng rút từ bên trong thiết bị, để làm mát bên trong tủ lạnh. Khi cuộn dây ngưng bị bám nhiều bụi, chúng không thể thực hiện được công việc của mình một cách tốt nhất.

Bạn có thể làm sạch chúng dễ dàng. Bạn rút phích cắm tủ lạnh ra khỏi ổ cắm. Sau đó, kéo tủ lạnh ra xa khỏi tường và lấy khăn sạch vệ sinh bụi bẩn. Có thể dùng máy hút bụi nhưng phải đặt công suất nhỏ, khéo léo hút tất cả bụi bẩn đi.

Vệ sinh sạch bụi tấm lưới lọc của máy lạnh

Bạn nên vệ sinh máy lạnh định kỳ sau khoảng 5 - 6 tháng sử dụng. Nếu bạn không vệ sinh máy lạnh trong thời gian dài, máy lạnh sẽ gặp các tình trạng chạy yếu, hoặc không lạnh. Như vậy, lượng điện năng tiêu thụ cao hơn nhưng hiệu quả làm lạnh không tốt.

Việc đơn giản nhất bạn có thể làm là vệ sinh tấm lưới lọc, khoảng 1 tháng một lần (tùy vào mức độ sử dụng). Bạn mở nắp cục lạnh, tháo tấm lưới ra, vệ sinh sạch sẽ, sau đó lắp lại như cũ là xong. Để làm vệ sinh tổng thể, bạn cần gọi cho trung tâm bảo trì máy lạnh để nhân viên bảo trì đến vệ sinh và khắc phục tình trạng máy lạnh không lạnh.

Vệ sinh cặn bẩn trong bình đun siêu tốc

Giữ cho các thiết bị điện sạch sẽ là cách tốt nhất để kéo dài tuổi thọ của chúng. Giữ vệ sinh cho chúng cũng là cách giữ vệ sinh cho bạn và gia đình bạn. Cụ thể là bình đun siêu tốc. Bạn có thể sử dụng giấm, chanh, hay baking soda để làm sạch cặn bám dưới đáy bình đun siêu tốc; tránh dùng các hóa chất độc hại để làm sạch cặn bám trong bình.

Khi bạn đang làm vệ sinh bình đun siêu tốc, hãy nhớ rút phích cắm điện khỏi ổ cắm khi đang thao tác cho nước, dấm, chanh, baking soda,… vào bình. Sau đó, mới đưa phích cắm điện vào ổ cắm. Nhớ chú ý giữ tay của bạn, phích cắm, ổ cắm điện luôn khô ráo.

Kiểm tra phích cắm, ổ cắm

Nếu bạn cắm quá nhiều thiết bị điện vào ổ cắm cùng một lúc, bạn có thể làm ổ cắm bị quá tải, gây ra một vụ nổ nhỏ hoặc hỏa hoạn. Với tình trạng này, bạn nên bố trí lại các thiết bị điện vào các ổ cắm thích hợp để đảm bảo an toàn.

Nếu bạn bắt gặp phích cắm hoặc ổ cắm bị lỏng hoặc lung lay, tốt nhất bạn nên thay cái mới cho hiệu quả hơn. Đừng cố gắng gò ép, hay lắc lắc phích cắm trong ổ cắm. Bạn có thể làm hỏng cả phích cắm và ổ cắm, chưa kể đến việc làm cho cả hai bộ phận này trở nên vô cùng nguy hiểm khi sử dụng.

Đặt xa tầm tay trẻ em

Tất cả chúng ta đều biết trẻ em thích tò mò như thế nào, đặc biệt là khi chúng hay khám phá mọi thứ. Bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn trẻ nhỏ tiếp xúc với phích cắm và ổ cắm.

Cha mẹ có con nhỏ nên dùng nắp, hay nút nhựa để bịt kín các ổ cắm điện không sử dụng. Tất cả dây điện thừa thãi nên được thu lại gọn gàng, để xa tầm tay để tránh trẻ em giật mạnh hay vướng vào.