1. Công suất máy lạnh quá lớn so với diện tích căn phòng
Nhiều người nghĩ rằng, công suất máy lạnh càng lớn thì phòng càng lạnh nhanh. Tuy nhiên, bạn đang lãng phí điện năng đấy. Để có thể tận dụng các tính năng của máy lạnh, làm mát tốt nhất cũng như tiết kiệm điện tối ưu, bạn cần chọn công suất máy lạnh phù hợp với diện tích, thể tích của căn phòng.
BTU (British Thermal Unit, tạm dịch là đơn vị nhiệt Anh) là chỉ số được sử dụng để mô tả công suất của hệ thống làm mát và sưởi ấm như: máy lạnh, tủ đông, lò sưởi... Bạn cần chọn máy lạnh có BTU phù hợp với không gian căn phòng. Như thế, bạn vừa tiết kiệm điện hằng tháng, vừa giúp căn phòng của bạn trở nên mát mẻ hơn.
2. Lắp đặt sai vị trí
Vị trí của máy lạnh trong phòng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của nó. Nhiều gia đình chọn bức tường nóng nhất trong phòng để lắp máy lạnh, vì cho rằng làm như vậy, căn phòng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt. Tuy nhiên, máy lạnh sẽ phải làm việc nhiều hơn để làm mát bức tường nóng bức, rồi mới đến không khí trong phòng, như vậy rất tốn điện.
Thay vào đó, bạn nên lắp máy lạnh ở những góc mát để nhiệt độ trong phòng giảm nhanh, sau đó từ từ làm lạnh các bức tường xung quanh. Như vậy, nhiệt độ trong phòng sẽ mát nhanh, mát lâu. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo máy lạnh được đặt cách xa đèn chiếu sáng và các thiết bị sinh nhiệt khác.
3. Bật máy lạnh 24/7
Bật máy lạnh liên tục trong ngày suốt thời gian dài, không chỉ gây lãng phí điện mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi ở trong phòng kín. Bạn chỉ nên ngồi trong phòng điều hòa không quá 2 giờ.
Bạn không nên để máy lạnh qua đêm mà nên sử dụng chế độ ngủ (Sleep) để hẹn giờ tắt máy lạnh. Nếu bạn ngủ với phòng máy lạnh, bạn cần lưu ý là càng ngủ về đêm, cơ thể càng ít vận động, bạn sẽ dễ bị cảm lạnh, vì vậy bạn cần điều chỉnh máy lạnh tăng nhiệt độ vào ban đêm. Cơ thể bạn có thể chịu đựng nhiệt độ cao hơn khi ngủ hơn là thức.
4. Để nhiệt độ máy lạnh quá thấp
Bật máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp vừa tốn điện, vừa khiến bạn dễ bị cảm lạnh do chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài cơ thể quá cao. Đặc biệt, người già và trẻ em sức đề kháng yếu, rất dễ đau đầu, viêm họng. Nhiệt độ máy lạnh khoảng 25 - 26 độ C là tốt nhất.
Bạn cũng cần lưu ý tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi vừa đi nắng về hoặc đổ nhiều mồ hôi khi tập thể dục, không bước ngay vào phòng máy lạnh.
5. Không sử dụng quạt
Nhiều người nghĩ rằng, dùng máy lạnh thay thế cho quạt điện là đủ. Trên thực tế, quạt điện sẽ giúp bạn sử dụng máy lạnh (ở chế độ tiết kiệm điện) hiệu quả hơn bằng cách luân chuyển không khí quanh phòng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm tiền điện mà còn giảm hao mòn thiết bị của bạn. Hơn nữa, quạt tạo ra một “luồng gió lạnh” nhân tạo giúp bạn thoải mái ở nhiệt độ cao hơn một chút.
6. Tắt điều hòa khi phòng đủ lạnh
Nhiều người tắt máy lạnh ngay khi phòng đủ mát và bật lại khi trời nóng để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, làm điều này lại gây ra tác dụng ngược. Mỗi lần khởi động là máy lạnh cần tiêu tốn nhiều điện năng. Bạn bật tắt máy lạnh nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ gây tốn điện hơn. Do đó, thay vì bật ở mức 16 độ C rồi tắt ngay, sau vài phút rồi bật lại, bạn nên để máy lạnh ổn định ở 25 - 26 độ C trong thời gian dài.