1. Điện áp quá tải
Nếu điện áp cung cấp cho nhà bạn tăng đột ngột, bóng đèn thường sáng hơn và bị cháy nhanh hơn. Hiện nay, điện áp tiêu chuẩn tại Việt Nam là 220 V (volt). Nhưng trên thực tế, điện áp khi đi qua dây dẫn có thể dao động từ 200 - 235 V, điều này là bình thường. Tuy nhiên, một số khu vực, điện áp có thể vượt quá mức bình thường, hậu quả của vấn đề này là bóng đèn bị cháy nhanh hơn.
Nếu bạn nghi ngờ đây là nguyên nhân làm bóng đèn bị cháy, bạn có thể kiểm tra điện áp ở ổ cắm điện tiêu chuẩn (220 V), bằng cách sử dụng đồng hồ vạn năng hoặc máy kiểm tra điện áp. Hãy chắc chắn rằng bạn biết cách thực hiện việc này một cách an toàn. Nếu bạn không rành cách kiểm tra, nên thuê thợ điện kiểm tra giúp. Nếu thử nghiệm cho thấy điện áp cao hơn bình thường, hãy liên hệ với đơn vị điện lực địa phương để xem xét tình trạng này.
Bạn có thể mua một bộ ổn áp để giữ nguồn điện ở mức 220 V, giúp đèn chiếu sáng và các thiết bị điện trong nhà hoạt động tốt nhất.
2. Rung lắc quá mức
Một nguyên nhân khác khiến bóng đèn bị cháy nhanh, do bóng đèn gắn thiết bị liên quan bị rung lắc quá mức. Ví dụ điển hình là bóng đèn gắn vào chiếc quạt trần. Khi một cánh quạt trở nên mất cân bằng, quạt bắt đầu rung lắc, khiến dây tóc bóng đèn rung theo, làm giảm tuổi thọ của bóng đèn. Hoặc các ngôi nhà gần với đường ray xe lửa, các rung động do tàu hỏa đi qua có thể làm rung các dây tóc bóng đèn, khiến bóng đèn bị hỏng trước tuổi thọ trung bình.
Với các tình huống xảy ra như vậy, bạn hãy kiểm tra vị trí gắn bóng đèn để có cách chống các rung động.
3. Hở đuôi bóng đèn
Mấu kim loại nhỏ ở dưới cùng của đuôi bóng đèn là kết nối “nóng” cung cấp dòng điện cho bóng đèn. Nếu mấu kim loại của đuôi bóng đèn bị đẩy xuống quá xa, nó có thể không tiếp xúc được với bóng đèn. Vấn đề xảy ra là bóng đèn không còn tiếp xúc điện với đuôi bóng đèn nữa, hoặc tiếp xúc chập chờn.
Để khắc phục điều này, hãy tắt nguồn điện của ổ cắm đuôi đèn, sau đó sử dụng que bằng gỗ hay bằng nhựa để uốn cong mấu kim loại lên một chút. Sau đó vặn lại bóng đèn, xem nó có hoạt động không. Nếu mấu kim loại bị gãy hoặc đã mòn, giải pháp tốt nhất là thay thế đuôi bóng đèn hoặc toàn bộ bộ đèn.
4. Bật, tắt nhiều lần
Nếu bạn bật, tắt đèn thường xuyên trong thời gian ngắn, rất có thể bạn đang làm giảm tuổi thọ của bóng đèn. Bóng đèn huỳnh quang compact (CFL) thường hỏng trước thời gian sử dụng theo lý thuyết. Bóng đèn huỳnh quang compact thường được quảng cáo là có tuổi thọ khoảng 10.000 giờ. Nhưng tuổi thọ của bóng đèn này sẽ bị rút ngắn, có thể chỉ kéo dài 3.000 giờ nếu được bật và tắt quá thường xuyên, nhiều lần trong ngày, mỗi lần vài phút.
Bạn chuyển sang sử dụng bóng đèn LED sẽ hiệu quả hơn, tồn tại lâu hơn và không chứa thủy ngân như bóng đèn CFL.
5. Kết nối lỏng lẻo
Các kết nối lỏng lẻo ở dây mạch (hoặc phích cắm điện) của bóng đèn với ổ cắm điện; giữa dây mạch với đuôi đèn, có thể gây ra hiện tượng nhấp nháy, làm cháy bóng đèn nhanh chóng. Những kết nối lỏng lẻo này làm tăng điện trở và nhiệt truyền qua bóng đèn, có thể làm cháy các điểm tiếp xúc, làm giảm tuổi thọ của bóng đèn.
Bạn hãy tắt nguồn điện và kiểm tra các điểm kết nối để đảm bảo chúng được siết chặt chắc chắn.
6. Đèn âm trần bị nóng
Vị trí lắp đặt đèn quá nóng là một trong những nguyên nhân khiến đèn cháy quá nhanh. Ví dụ, bạn lắp đặt bóng đèn âm trần, âm vách, hay nơi trực tiếp chịu ánh sáng mặt trời. Quá nóng có thể khiến đèn tự động tắt hoặc có thể khiến bóng đèn nhấp nháy hoặc cháy sớm.
Khi bạn lắp đặt đèn chiếu sáng âm trần, lưu ý thiết kế sao cho bóng đèn có khoảng cách thông thoáng để ngăn bóng đèn bị quá nóng.
7. Bóng đèn kém chất lượng
Một nguyên nhân phổ biến khiến bóng đèn nhanh bị cháy là chất lượng sản phẩm. Bóng đèn giá rẻ, hàng không rõ nguồn gốc thường có chất lượng kém. Bạn đầu tư thêm một chút tài chính vào bóng đèn có chất lượng tốt hơn sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền trong thời gian dài, vì bạn sẽ ít phải thay thế chúng hơn.
Sự khác biệt giữa bóng đèn kém chất lượng và bóng đèn chất lượng của thương hiệu uy tín dễ nhận ra. Kiểm tra mối hàn trên đuôi của bóng đèn. Bóng đèn kém chất lượng có mối hàn bị hở hoặc hỏng một chút, dễ tạo ra điện trở lớn hơn, khiến mối hàn nóng lên. Nhiệt độ quá cao làm bóng đèn dễ cháy.