1. Sông Mekong là con sông dài thứ bảy ở châu Á

Sông Mekong dài 4.350 km, là sông dài thứ 7 ở châu Á và dài thứ 12 trên thế giới. Sông Mekong có diện tích lưu vực gần 800.000 km2. Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sau đó theo hướng đông nam vào tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc; tiếp tục chảy qua nhiều quốc gia gồm: Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong hành trình của mình, sông Mekong kết hợp lưu vực từ nhiều nhánh sông khác, giúp lượng nước tăng lên đáng kể. Sông Mekong gặp sông Ruak, nơi biên giới Thái Lan, Lào và Myanmar tạo thành ngã ba, thường được gọi là Tam giác vàng. Đoạn cuối sông Mekong đổ ra Biển Đông thông qua hệ thống đồng bằng rộng lớn ở Việt Nam.

2. Sông Mekong có nhiều tên gọi khác nhau

Vì sông Mekong trải dài qua nhiều quốc gia nên sông Mekong được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Trung Quốc, thượng nguồn sông Mekong được gọi là Lancang Jiang, có nghĩa là “dòng sông cuộn sóng”. Trong tiếng Thái và Lào, sông được gọi là “Mae Nam Khong” hoặc “Mae Kong”, cả hai đều có nghĩa là “sông mẹ”. Trong tiếng Khmer, ngôn ngữ của Campuchia, dòng sông được gọi là “Tonlé Thum”. Ở Việt Nam, sông Mekong thường được gọi là “Cửu Long”, tên này liên quan đến 9 nhánh sông xuất phát ở đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi tên đều phản ánh những đặc điểm riêng của sông Mekong, cũng như là minh chứng cho sự đa dạng của các vùng văn hóa và dân tộc mà dòng sông chảy qua.

3. Sông Mekong là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới

Lưu vực sông Mekong được xem là khu vực đa dạng sinh học thứ hai trên thế giới, sau sông Amazon. Lưu vực sông Mê Kông là nơi sinh sống của hơn 20.000 loài thực vật, 430 loài động vật có vú, 1.200 loài chim, 800 loài bò sát và lưỡng cư, 850 loài cá nước ngọt. Trong đó có các loài mang tính biểu tượng như cá sấu Xiêm, sếu đầu đỏ, cá da trơn khổng lồ Mekong (cá nước ngọt lớn nhất thế giới), cá đuối sông Mekong, cò quăm khổng lồ. Nhiều loài ở lưu vực sông Mekong là loài đặc hữu, không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm do hoạt động của con người trở thành mối đe dọa đối với môi trường sống ở đây. Nhiều loài cư trú trong lưu vực sông Mekong đang có nguy cơ tuyệt chủng như: cá sấu Xiêm, cá heo Irrawaddy, cá da trơn khổng lồ Mekong, cá đuối nước ngọt khổng lồ, voi châu Á và báo gấm.

4. Sông Mekong là nguồn sinh kế quan trọng

Lưu vực hạ lưu sông Mekong là nơi sinh sống của hơn 60 triệu người trong nhiều thế kỷ. Nhiều người dân sống dọc theo bờ sông để có nguồn sinh kế, dù là đánh bắt thủy sản hay nông nghiệp. Lưu vực sông Mekong là một trong những vùng có nghề cá nội địa lớn nhất và năng suất cao nhất thế giới. Con sông này hỗ trợ một trong những nghề cá nước ngọt phong phú nhất thế giới, sản lượng khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Người dân địa phương, nhất là ở Campuchia và Việt Nam, còn sử dụng dòng sông này để tưới tiêu cho cây trồng, giao thông đường thủy và tiếp cận các cơ hội giao thương. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn của Việt Nam, sản xuất đến một nửa sản lượng gạo của cả nước.

5. Sông Mekong được bao quanh bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp

Du thuyền trên sông Mekong là cách tuyệt vời để khám phá văn hóa, lịch sử và vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông. Hai bên bờ sông là nơi có nhiều ngôi làng truyền thống, ngôi đền cổ, mang đến cho du khách cái nhìn thoáng qua về lịch sử và văn hóa phong phú của người dân địa phương. Một số điểm nổi bật của hành trình trên sông Mekong bao gồm thành phố cổ Luang Prabang (Lào), quần thể đền Angkor Wat (Campuchia), đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam).

6. Sông Mekong thường gây ra lũ lụt hằng năm

Dòng sông Mekong rất mạnh mẽ với sự thay đổi đáng kể về dòng chảy và lưu lượng theo thời gian trong năm. Lượng nước sông Mekong thường tăng cao vào mùa gió mùa, mưa lớn từ tháng 7 đến tháng 10. Điều này dẫn đến lũ lụt trên hệ thống sông, gây thiệt hại đáng kể về nông nghiệp, tài sản và cơ sở hạ tầng. Vùng lũ chính là hạ lưu sông Mekong ở Việt Nam và Campuchia. Sông Mekong còn nổi tiếng với những thác ghềnh dữ dội, đặc biệt là ở Lào. Các thác ghềnh trên sông là rào cản đối với thương mại và du lịch trong nhiều thế kỷ, do việc di chuyển trên sông gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều thác ghềnh này đã được các đập và hồ chứa nước chế ngự trong những năm gần đây.

7. Sông Mekong phát triển nhanh nhất về xây dựng thủy điện

Sông Mekong có lưu lượng nước hằng năm khoảng 475 tỉ m3 (lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới) nên có khả năng tạo ra thủy điện rất lớn. Mekong là lưu vực sông lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới về xây dựng thủy điện. Tiềm năng thủy điện ước tính ở hạ lưu sông Mekong là 30.000 MW, trong khi ở thượng nguồn sông Mekong là 28.930 MW. Trung Quốc đã xây dựng hơn 10 đập trên sông Mekong. Lào, Thái Lan cũng xây một số đập thủy điện trên sông Mekong. Tuy nhiên, việc xây đập trên sông đã gây ra nhiều lo ngại khi lượng nước trên sông đang giảm dần, chuyển động của trầm tích bị ngăn cản, gây thiệt hại cho nông nghiệp và nghề cá ở phía hạ lưu. Cùng với các yếu tố như biến đổi khí hậu, việc xây nhiều đập trên sông được cho là nguyên nhân gây ra đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận trong khu vực trong hơn 100 năm vào tháng 7/2019.