Sự chuyển đổi cần thiết

Được hình thành sâu dưới lòng đất qua hàng nghìn năm, than đá là một loại đá đen giàu carbon, giải phóng năng lượng khi đốt cháy. Tại Hoa Kỳ, khoảng 30% sản lượng điện đến từ nhiệt điện than; phần còn lại đến từ điện khí, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo (như thủy điện, điện gió và điện mặt trời).

Hầu hết than của Hoa Kỳ đến từ các mỏ ở Wyoming (tiểu bang phía Tây) và Montana (tiểu bang phía Tây Bắc), hoặc các mỏ ở Appalachia (khu vực miền Đông). Các công việc khai thác mỏ, từng là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Mỹ, đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào những năm 1950.

Ở các nước mới phát triển, các nước thu nhập trung bình, nhu cầu về than là không bàn cãi. Đó là nguồn nhiên liệu rẻ, không thể thiếu để thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế chủ chốt, như sản xuất điện, thép...

Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cũng ghi nhận, có mối quan hệ chặt chẽ giữa trình độ phát triển kinh tế và mức tiêu thụ than. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nền kinh tế tiên tiến đã tăng nhanh sự phụ thuộc vào than đá.

Nhưng những năm gần đây, sản xuất than và nhiệt điện than đã chậm lại, do việc sử dụng các nguồn điện khác sạch hơn trở nên hợp lý và phổ biến hơn.

Giảm nhiệt điện than là cần thiết để giảm ô nhiễm môi trường

Mặc dù tình hình sẽ khó khăn đối với các cộng đồng phụ thuộc vào các mỏ, nhà máy than, nhiệt điện than nhưng việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp khỏi than ở hầu hết các nước đều đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt. Đây là điều cần thiết để tránh các tác động xấu nhất của than.

Tác động của than: Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí là một trong những tác động đối với môi trường của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than.

- Quá trình đốt cháy than, nó giải phóng ra lưu huỳnh dioxide (SO2) và nitơ oxit (NOx). Những chất này phản ứng với nước và oxy tạo thành mưa axit. Mưa axit ăn mòn các tòa nhà, công trình xây dựng ngoài trời và làm axit hóa môi trường nước ngọt, gây tổn hại đến hệ sinh thái thủy sinh.

- Các hợp chất hữu cơ (chứa carbon) dễ bay hơi (VOC), có chứa các thành phần ô nhiễm, dễ dàng đi vào không khí dưới dạng khí hoặc hơi, tạo nên hiện tượng “sương mù”, có thể gây ra nhiều tác động đến hô hấp, tim mạch, đặc biệt nguy hiểm đối với người già, trẻ nhỏ và những người mắc bệnh hen suyễn.

- Bụi dạng hạt mịn PM10 và PM2.5 (PM là viết tắt của chất dạng hạt, thuật ngữ để chỉ một hỗn hợp các hạt rắn và giọt chất lỏng được tìm thấy trong không khí), được phát tán vào không khí dưới dạng tro bay. Vật chất dạng hạt bụi này sẽ đọng lại trong phổi khi hít phải và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi, bao gồm cả ung thư phổi.

Mặc dù các cơ quan bảo vệ môi trường của các nước luôn đặt ra các quy định nghiêm ngặt để kiểm soát, ngăn chặn các khí thải độc hại này, nhưng nhiều nhà máy không được lắp đặt các biện pháp kiểm soát ô nhiễm cần thiết. Tương lai của những biện pháp bảo vệ này vẫn chưa rõ ràng.

Ô nhiễm không khí thường mang tính khu vực nhiều hơn, có thể gây ra những tác động nguy hại đối với khu dân cư và hệ sinh thái ở khu vực đó.

Tác động của than: Ô nhiễm nguồn nước

Khi bạn đốt than trong bếp ở nhà, tro sẽ còn sót lại. Điều này cũng tương tự với các nhà máy nhiệt điện than, tro xỉ than thải ra nhiều vô kể. Phần nhiều chất thải đó được đưa vào bãi chôn và các địa điểm khác dưới lòng đất, theo thời gian, nó có thể gây ô nhiễm nguồn nước.

Tro bay và tro đáy, là những chất cặn được tạo ra khi các nhà máy điện đốt than. Trước đây, tro bay được thải vào không khí qua ống khói, nhưng luật pháp hiện nay yêu cầu lượng tro bay phải được thu giữ lại bằng các thiết bị kiểm soát ô nhiễm. Tại Hoa Kỳ, tro bay và tro đáy thường được lưu trữ gần các nhà máy điện hoặc được đặt trong các bãi chôn lấp.

- Ô nhiễm từ các kho chứa tro (rò rỉ, rơi vãi) và bãi chôn lấp than vào mạch nước ngầm là những nguy cơ, mối quan tâm lớn về ảnh hưởng xấu đến môi trường.

- Thủy ngân phát thải do đốt than từ các nhà máy nhiệt điện than, có thể di chuyển một quãng đường dài trước khi lắng đọng trong đất hoặc nước. Thủy ngân có độc tính cao, có thể tích tụ trong sinh vật sống trong nước.

- Nước thải phát sinh từ nhà máy nhiệt điện than chủ yếu là nước làm mát các hệ thống thiết bị, nước vệ sinh các xưởng, các loại nước thải xỉ,… Các loại nước thải này nếu không được thu gom và xử lý theo đúng quy định, đáp ứng quy chuẩn môi trường, sẽ ảnh hưởng môi trường rất lớn.

Giống như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước là một tác động cục bộ khác của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nước thường bị ô nhiễm trong quá trình khai thác hoặc xử lý các chất thải.