“Tấm chăn” độc hại
Biến đổi khí hậu là tác động nghiêm trọng nhất, lâu dài và toàn cầu của than. Về mặt hóa học, than đá chủ yếu là carbon, khi đốt cháy than, chúng sẽ phản ứng với oxy trong không khí để tạo ra carbon dioxide (CO2), là khí nhà kính chính. Khi thải vào khí quyển, carbon dioxide hoạt động giống như một “tấm chăn”, làm trái đất ấm lên trên giới hạn bình thường.
Khí CO2 thải vào khí quyển làm trái đất ấm lên trên giới hạn bình thường
Quá trình khai thác than còn thải ra khí mêtan, khí nhà kính mạnh hơn nhiều lần so với CO2.
Các nhà máy nhiệt điện than thải ra nhiều khí nhà kính trên một đơn vị năng lượng hơn bất kỳ nguồn điện nào khác.
Nhiệt điện than cung cấp khoảng 30% năng lượng cho điện ở Hoa Kỳ, điều này làm cho các nhà máy nhiệt điện than trở thành mục tiêu chính để giảm phát thải khí nhà kính. May mắn thay, các nhà máy nhiệt điện than đang đóng cửa trên khắp Hoa Kỳ vì nhiên liệu này trở nên ít sinh lời hơn do các quy định của tiểu bang và liên bang, và sự cạnh tranh từ các lĩnh vực khác như khí tự nhiên, gió và năng lượng mặt trời. Điều đó khiến tỷ trọng năng lượng từ nhiệt điện than ngày càng giảm.
Hậu quả của sự nóng lên toàn cầu bao gồm hạn hán, mực nước biển dâng, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt, mất mát các loài sinh vật và ảnh hưởng đến chính cuộc sống của con người.
Mức độ nghiêm trọng của những tác động đó liên quan trực tiếp đến lượng carbon dioxide mà chúng ta thải ra, trong đó có cả từ các nhà máy nhiệt điện than.
Các nước “chốt hạ” với nhiệt điện than
Đốt than đá là nguồn tăng nhiệt độ toàn cầu lớn nhất. Nó gây ô nhiễm không khí và là nguyên nhân tạo ra một tỷ lệ lớn khí carbon dioxide trong bầu khí quyển. Nhưng tin tốt là nhiều nước ở châu Âu đang bắt đầu giảm sử dụng than đá.
Sự nóng lên của toàn cầu gây nhiều hậu quả xấu cho môi trường sống
Ngày 30/6/2020, Tây Ban Nha đã đóng cửa 8 trong số 15 nhà máy điện chạy bằng than của nước này, nhằm tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về phát thải công nghiệp. Một lý do khác đằng sau việc đóng cửa này là sản xuất điện bằng than không còn sinh lời do chi phí vận hành các nhà máy nhiệt điện than cao hơn so với chi phí sử dụng năng lượng tái tạo. Dự kiến đến năm 2025, toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than còn lại ở Tây Ban Nha sẽ bị đóng cửa.
Ngày 17/4/2020, Áo đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng còn hoạt động tại quốc gia này.
Vào tháng 4/2020, Thụy Điển đã đóng cửa vĩnh viễn nhà máy điện than cuối cùng, giúp hoàn thành mục tiêu trước 2 năm. Trước đó, Chính phủ Thụy Điển cam kết loại bỏ điện than vào năm 2022.
Ngày 28/4/2020, Vương quốc Anh đã lập kỷ lục hơn 18 ngày liên tiếp không sản xuất nhiệt điện than, khoảng thời gian dài nhất kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp. Theo dữ liệu của National Grid, hệ thống năng lượng của Vương quốc Anh đã không sử dụng các nhà máy đốt than trong hơn 440 giờ, phá vỡ kỷ lục trước đó được lập vào tháng 6/2019, một phần do việc sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời nhiều hơn và ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vào tháng 4/2017, Anh cũng đã trải qua một ngày không sử dụng điện than. Đây là lần đầu tiên năng lượng than không được sử dụng trong 24 giờ kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp!
Đức sẽ đóng cửa tất cả 84 nhà máy nhiệt điện than trong vòng 19 năm tới (năm 2038) nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trước mắt, Đức sẽ đóng cửa 24 nhà máy nhiệt than có tổng công suất 12,5 GW vào năm 2022. Hiện than góp phần tạo ra 38% sản lượng điện ở Đức.
Tại Hàn Quốc, 2 nhà máy nhiệt điện than là Boryung 1 và Boryung 2 (tỉnh Chungnam) sẽ phải ngừng hoạt động vào tháng 12/2020, sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch ban đầu; 4 nhà máy nhiệt điện than khác cũng sẽ bị đóng cửa vào năm 2021. Hàn Quốc có khoảng 60 nhà máy điện than, cung cấp 40% điện năng của cả nước. Nhưng chính phủ đang đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc điện than về lâu dài, để chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Nhật Bản cũng lên kế hoạch đóng cửa hoặc ngừng hoạt động 100 trong tổng số 114 nhà máy nhiệt điện chạy than có hiệu suất thấp trong thời gian từ nay đến năm 2030. Đây là bước tiến mới trong chính sách năng lượng của nước này theo hướng giảm thiểu các nguồn năng lượng có lượng phát thải khí CO2 lớn, gây ô nhiễm môi trường. Nhật Bản hiện có 140 nhà máy nhiệt điện than. Trong số này, có 26 nhà máy mới, sử dụng các công nghệ tiên tiến giúp tận dụng tối đa nguồn nhiệt năng từ than đá để phát điện. Các nhà máy còn lại, vốn được xây dựng trước năm 1995, có hiệu suất thấp và phát thải nhiều khí CO2, sẽ bị đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động…
Than là nguồn năng lượng sơ cấp phát triển nhanh nhất trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua nhưng cũng “đóng góp” nhiều nhất vào sự biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Một số chính phủ và các ngân hàng đa phương bắt đầu nhận ra rằng, chi phí sản xuất than là không rẻ như mọi người nghĩ, vì chi phí xử lý hậu quả của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là to lớn vô cùng. Để tránh biến đổi khí hậu thảm khốc, rõ ràng là chúng ta phải chấm dứt sự phụ thuộc vào than đá và đầu tư vào năng lượng tái tạo xanh, bền vững, giá cả phải chăng.