Dấu chân carbon (Carbon Footprint) là gì?

Bạn có thể đã nghe qua thuật ngữ “Dấu chân carbon” (Carbon Footprint). Vậy chính xác dấu chân carbon là gì?

Dấu chân carbon là phương pháp được thiết kế để đo lường tác động từ các hoạt động của con người đối với môi trường. Tác động này thể hiện ở tổng lượng phát thải khí nhà kính, chủ yếu là carbon dioxide (CO2) và metan (CH4) do cá nhân, tổ chức, sự kiện, dịch vụ, sản phẩm hoặc quốc gia gây ra trực tiếp và gián tiếp.

Khí nhà kính là loại khí hấp thụ và phát ra bức xạ nhiệt, tạo ra “hiệu ứng nhà kính” giữ nhiệt gần bề mặt Trái đất và làm ấm hành tinh. Khí nhà kính rất quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ của Trái đất luôn ở trạng thái cân bằng, phù hợp với đời sống con người. Tuy nhiên, sự dư thừa khí nhà kính trong khí quyển có thể đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu.

Nói ngắn gọn, dấu chân carbon là lượng carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác thải ra từ các hoạt động hằng ngày của bạn.

Dấu chân carbon được tính như thế nào?

Dấu chân carbon được tính theo tổng các thông số của lượng khí carbon dioxide (CO2) thải vào khí quyển. “Kích thước” của dấu chân carbon được biểu thị bằng lượng carbon dioxide tương đương (CO2e). Khối lượng khí thải carbon thường được tính bằng tấn (1.000kg).

Lượng khí thải carbon được tính toán thông qua phân tích tùy theo tính chất của tổ chức phát hành, tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ: lượng khí thải carbon của một tổ chức có thể thu được bằng cách phân tích lượng phát thải khí nhà kính của tổ chức đó trong một năm hoặc khoảng thời gian xác định trước. Đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ, lượng phát thải khí nhà kính được thực hiện nghiên cứu trong suốt vòng đời của nó. Dấu chân carbon của cá nhân là công cụ cho phép một cá nhân tính toán lượng khí thải nhà kính của họ, biết được sự góp phần của họ vào việc gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Có một số ứng dụng trên mạng cho phép đo “dấu chân carbon” thông qua dữ liệu liên quan đến hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc định lượng để đo lượng phát thải khí nhà kính ở mỗi quốc gia là khác nhau, do đó, điều này phải được xem xét khi đo lường.

Dấu chân carbon có tác dụng gì?

Sau khi có được dấu chân carbon, bạn sẽ sở hữu một loạt dữ liệu cho phép bạn lập kế hoạch giảm thiểu lượng khí thải đó. Đây là phương pháp hữu ích để định lượng, giảm thiểu và trung hòa lượng khí thải carbon dioxide (CO2), góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Dấu chân carbon còn được sử dụng để định lượng, xác định nguồn phát thải khí nhà kính của một sản phẩm, trong chuỗi sản xuất. Dấu chân carbon cho phép thiết lập các mục tiêu, chiến lược và hành động để giảm lượng khí thải nhà kính, từ đó làm cho quy trình sản xuất hàng hóa hiệu quả và kinh tế hơn. Một ưu điểm nữa của dấu chân carbon là cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và nâng cao nhận thức để có thể giảm tác động của cá nhân đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Các quốc gia làm gì để giảm lượng khí thải CO2?

Nhìn chung, các quốc gia phát triển thường có dấu chân carbon lớn hơn, lượng khí thải CO2 nhiều hơn so với các quốc gia khác. Điều này phần lớn do ở các quốc gia phát triển, ngành công nghiệp năng lượng tăng trưởng cao, kéo theo đó đốt một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện; tỉ lệ người dân sở hữu ô tô riêng nhiều, góp phần lớn vào lượng khí thải; các ngành công nghiệp sản xuất cũng phát triển, làm gia tăng lượng khí thải carbon.

Nhiều quốc gia đã cam kết trở thành trung hòa carbon. Trung hòa carbon được hiểu là khi một lượng khí CO2 thải ra môi trường sẽ được trung hoà bằng cách giảm cùng một lượng khí CO2 như vậy ở nơi khác.

Các quốc gia có thể giảm lượng khí thải carbon bằng nhiều cách. Chẳng hạn như sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện) thay vì nhiên liệu hóa thạch, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải CO2 từ phương tiện giao thông, thu hồi khí nhà kính như khí metan từ bãi chôn lấp và ống khói, tính thuế carbon đối với các ngành công nghiệp phát thải khí nhà kính, trồng rừng…

Mục tiêu cụ thể của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính là gì?

Theo “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”, mục tiêu cụ thể của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính như sau:

- Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).

- Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh.