Nhang điện là gì?
Nhang điện (hương điện) là sản phẩm công nghệ hiện đại, có hình dáng, kích thước giống như nhang (hương) truyền thống. Nhang điện có thiết kế bên ngoài như một cây nhang đang cháy, có tàn giả cuộn tròn ở phần đầu, bên trong là dây điện nối với bóng đèn nhỏ gắn ở đầu cây nhang. Khi cắm vào nguồn điện, đầu nhang sáng lên, tạo cảm giác như đang thắp một que nhang thật.
Ngoại trừ hình dáng giống như cây nhang thật, tất nhiên nhang điện không thể cho mùi thơm ấm áp và tỏa khói linh thiêng như khi thắp nhang thật.
Không chỉ có nhang điện, trên bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần tài - ông địa của một số gia đình, còn có nến điện, phát ánh sáng vàng, tạo không gian bàn thờ cảm giác ấm cúng. Ánh sáng nến lắc lư như nến thật đang cháy. Nến điện sử dụng song song hai chế độ: chạy pin hoặc cắm điện trực tiếp.
Nến điện không chỉ trang trí trên bàn thờ trong các gia đình. Nến điện với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, còn dùng trang trí trong các tiệc cưới, nhà hàng, quán cà phê,… tạo không gian lãng mạn, gần gũi.
Ưu điểm chung của nhang điện, nến điện là không sinh nhiệt, không khói, không mùi nên rất an toàn khi sử dụng trong phòng kín.
Khi cắm điện cho nhang điện, nến điện, các gia đình thường để điện 24/24 giờ, bởi công suất đèn led rất nhỏ, hầu như không đáng kể.
Thắp nhang cũng theo xu hướng công nghệ
Thắp nhang là một phần không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống, nghi lễ tôn giáo, tâm linh tại một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Từ xa xưa, hình ảnh cây nhang trong các đền chùa, bàn thờ gia tiên vào mỗi dịp Tết, cúng giỗ, ngày rằm, … trở nên gần gũi, quen thuộc với mọi người.
Người xưa quan niệm làn khói hương là nhịp cầu nối thiêng liêng giữa thế giới hữu hình và vô hình, giúp người sống gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, sự tưởng nhớ đến với người đã khuất hay các bậc thần linh.
Theo thời gian, việc thắp nhang cũng không nằm ngoài xu thế phát triển của công nghệ. Thay vì thắp nhang truyền thống, nhiều gia đình chuyển sang dùng nhang điện. Bởi lẽ, nhang điện không chỉ sử dụng để thắp sáng không gian bàn thờ vào dịp Tết, ngày giỗ, ngày rằm, mà còn là giải pháp tránh hỏa hoạn, cháy nổ ở các khu dân cư. Đặc biệt là tránh nguy cơ gây độc đối với các gia đình có người già, trẻ nhỏ.
Cũng như các thiết bị điện tử khác, nhang điện “cháy” bằng cách cắm điện! Nếu so sánh với nhang truyền thống thì nhang điện tử không tạo ra khói, tàn, mà vẫn thắp sáng được không gian thờ, tạo không khí ấm cúng cho ngày Tết.
Vấn đề đặt ra ở đây là nên sử dụng nhang truyền thống hay nhang điện trên bàn thờ gia tiên cũng như không gian tôn giáo, tâm linh?
Nhang điện được sản xuất dựa trên yêu cầu thiết thực của đời sống. Sản phẩm này đáp ứng nhu cầu thay thế nhang thật vốn tiềm ẩn rủi ro về nguy cơ hỏa hoạn, thực tế đã từng xảy ra. Nhang điện còn giúp cho không gian bàn thờ sáng sủa, không bị “hương tàn khói lạnh” khi gia chủ vắng nhà, vẫn đảm bảo an toàn cháy nổ ở các không gian kín.
Tuy nhiên, nhang điện không thể thay thế hoàn toàn cho nhang truyền thống. Mỗi nén nhang thơm khi thắp lên là tâm tình, nguyện vọng, là sự tri ân của con người gửi đến thế giới vô hình. Nếu bàn thờ quanh năm thắp nhang điện nhưng lại vắng bóng cây nhang thơm thì đó là sự thiếu sót không thể bù đắp được.
Vì vậy, nhiều gia đình không sử dụng nhang điện thay thế hoàn toàn nhang truyền thống mà xem chúng như một vật trang trí trên bàn thờ. Vào dịp Tết nguyên đán như thời khắc giao thừa, sáng mồng 1, hay ngày giỗ, ngày rằm, các gia đình vẫn thắp nhang truyền thống như một sự kính cẩn, lòng thành.
Từ lòng thành kính và yếu tố tâm linh, có thể thấy rằng, nhang điện không thể thay thế hoàn toàn nhang truyền thống trên bàn thờ gia tiên, trong đền chùa và các không gian tâm linh. Thay vào đó, nên sử dụng kết hợp hai hình thức này. Khi các gia đình có điều kiện về thời gian, việc thắp nhang truyền thống vẫn là hành động cần thiết và có ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt.
Các đền chùa, các gia đình có thể dùng nhang điện để trang trí cho bàn thờ thêm sáng sủa đẹp đẽ, ấm cúng. Đặc biệt, vào các dịp lễ tết, mùng 1, ngày rằm nên thắp một nén nhang trầm để thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên, cùng các vị thần linh.
Dù là nhang truyền thống hay nhang điện, quan trọng là ở cái tâm đức, lòng thành của chúng ta đối với ông bà, đấng sinh thành đã khuất, cũng như các bậc thánh thần.