Bạn biết rằng, dòng điện là nguyên nhân gây điện giật chứ không phải điện áp, nhưng dòng điện sẽ không chạy nếu không có đủ điện áp (như lực đẩy) để dòng điện chạy trong vật dẫn. Điều tiếp theo là dòng điện cũng chịu ảnh hưởng bởi điện trở của vật dẫn, có tính chất cản trở dòng điện.  

Câu hỏi đặt ra là tại sao ắc quy 12V của ô tô lại không gây giật điện? Điện áp 12V có đủ để đẩy dòng điện chạy qua cơ thể không?

Bạn nhớ rằng, điện áp trong ắc quy là điện một chiều (DC). Dù có sự khác biệt giữa điện xoay chiều (AC) và điện một chiều (DC) nhưng điện giật là nguy hiểm đối với cơ thể người, bất kể bạn có so sánh AC hay DC nguy hiểm hơn.

Hãy cùng xem tại sao ắc quy ô tô 12V không làm bạn bị thương hoặc có nguy cơ bị điện giật.

Cơ thể người có đại lượng điện trở (100.000 Ohms trong điều kiện khô ráo và 1.000 Ohms trong điều kiện ẩm ướt). Bây giờ, giả sử một cơ thể người chạm cả hai cực của ắc quy (cực dương và cực âm) bằng tay trần. Theo định luật Ohm:

● Điện trở cơ thể người khi khô ráo (100.000 Ω)

I = V : R (trong đó: I là cường độ dòng điện đi qua vật dẫn. V là điện áp trên vật dẫn. R là điện trở). 

I = 12V : 100.000Ω

I = 0,12 mA

● Điện trở cơ thể người khi ẩm ướt (1.000 Ω)

I = V : R

I = 12V : 1000 Ω

I = 12 mA

Theo tính toán ở trên, với 0,12 mA (khi chạm vào ắc quy 12V ở điều kiện cơ thể khô ráo), bạn có thể không cảm nhận được gì, trong khi lượng dòng điện có thể cảm nhận như kim châm từ 0,5mA trở lên. Điều này do điện áp (12V) quá thấp để đẩy dòng điện đi qua cơ thể có điện trở cao (lên tới 100.000Ω).

Trong trường hợp thứ hai (chạm vào ắc quy trong điều kiện cơ thể ẩm ướt, như mưa, đổ mồ hôi, độ ẩm), điện trở của cơ thể người giảm xuống còn 1.000 Ohms, nghĩa là cơ hội tốt để dòng điện có nhiều hơn chạy qua cơ thể người. Trường hợp này, dòng điện 12mA chạy qua cơ thể người không phải là một điều hay. Bởi dòng điện chỉ 3 - 9 mA đã đủ gây cho bạn cảm giác giật bắn, tê tê.

Bạn chỉ có chút hy vọng có thể không bị điện giật khi tay ướt một chút (vì vẫn có điện trở giữa cả hai tay, hoặc ắc quy gần như đã xả hết, hoặc chưa bao giờ được sạc đầy). Vì vậy, đừng bao giờ chạm vào các cực của ắc quy bằng tay trần khi trời mưa, hoặc tay ướt hay đẫm mồ hôi.

Những khuyến cáo

- Không bao giờ làm chập mạch các cực của ắc quy bằng vật liệu dẫn điện (nó tạo ra đoản mạch), nếu không, nó sẽ làm mất toàn bộ năng lượng dự trữ ngay lập tức, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng và nguy cơ hỏa hoạn.

- Không bao giờ hoán đổi và kết nối các cực đối diện của ắc quy với tải, tức là âm với dương và dương với âm. Nếu vậy, sẽ có một lượng điện năng tăng đột biến và lượng nhiệt sinh ra rất cao.

- Sự rò rỉ (axit) của ắc quy có thể làm bỏng da bạn.

- Việc chập mạch cả hai cực của ắc quy có thể làm nổ ắc quy và gây cháy nổ nguy hiểm.

Điều cần biết

- Điện trở trung bình của cơ thể người ở điều kiện khô ráo khoảng 100.000Ω, trong khi điện trở của cơ thể người ở điều kiện ẩm ướt là 1.000Ω.

- Điện áp trên 50V (trong điều kiện khô ráo) và 25V (trong điều kiện ẩm ướt) đủ để gây sốc cho một người.

- 30 mA là đủ để gây ngừng hô hấp. 75 - 100 mA sẽ gây rung tâm thất (nhịp tim nhanh). Bất cứ thứ gì cao hơn 300mA đều gây tử vong và giết chết trong vài giây. 4,5 - 10A sẽ ngay lập tức dẫn đến ngừng tim, bỏng nặng và tử vong.

- Sự kết hợp giữa dòng điện và điện áp, trong đó điện áp (dưới dạng áp suất) đẩy dòng điện (dưới dạng dòng điện tích) là nguyên nhân gây ra điện giật.