Nhìn lại lịch sử

Ở các thị trường kinh tế mới nổi, các nước thu nhập trung bình, nhu cầu về than là không bàn cãi. Đó là nguồn nhiên liệu không thể thiếu để thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế chủ chốt, như sản xuất điện, thép...

Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cũng ghi nhận, có mối quan hệ chặt chẽ giữa trình độ phát triển kinh tế và mức tiêu thụ than. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các nền kinh tế tiên tiến đã tăng nhanh sự phụ thuộc vào than đá.

Tuy nhiên, than lại là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, chiếm 44% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Khi được đốt cháy để tạo ra nhiệt, than phát ra lượng carbon dioxide nhiều hơn hai lần so với khí tự nhiên để tạo ra cùng một lượng năng lượng. Cacbon dioxide là một trong những khí nhà kính góp phần vào sự nóng lên của toàn cầu, làm cho nhiệt độ trung bình bề mặt của Trái Đất tăng lên.

Vì các lý do đó, sự sụt giảm trong việc sử dụng than đã bị gián đoạn trong những năm 1970. Nhưng sau đó, tình hình lại đảo ngược, một phần bởi ba yếu tố: (1) Lo ngại về an ninh năng lượng, (2) Điện khí hóa ngày càng tăng, (3) Tăng trưởng kinh tế nhanh ở các thị trường mới nổi.

Nhu cầu điện năng gia tăng góp phần làm tăng nhu cầu than cho sản xuất điện ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, đồng thời quay trở lại sử dụng than để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Vào đầu thế kỷ này, việc sử dụng than giảm đi ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng lại được bù đắp nhiều hơn bởi nhu cầu gia tăng ở các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, khi biến đổi khí hậu gia tăng, than đá dần được thay thế bằng các nhiên liệu hiệu quả hơn, tiện lợi hơn, ít gây ô nhiễm hơn như dầu mỏ, năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên và gần đây là năng lượng tái tạo.

Tại nhiều quốc gia, xu hướng đầu tư vào một tương lai phát triển bền vững hơn, xanh hơn, đã và đang thực hiện các bước để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá.

Ngày nay, các thị trường mới nổi chiếm đến 76,8% tiêu thụ than toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng góp khoảng một nửa. Trong nhu cầu sử dụng than, sản xuất điện chiếm đến 72,8%; phần còn lại sử dụng trong các ngành công nghiệp khác, như để sản xuất thép...

Những khó khăn cho quá trình “thoát” than

Quá trình loại bỏ than đá thường mất nhiều thập kỷ. Vương quốc Anh đã mất 46 năm để giảm tiêu thụ than tới 90% so với mức đỉnh vào những năm 1970. Ở nhiều quốc gia, việc sử dụng than chỉ giảm 2,3% hằng năm trong giai đoạn 1971 - 2017. Với tốc độ đó, sẽ mất 43 năm để loại bỏ hoàn toàn than, bắt đầu từ năm tiêu thụ cao điểm.

Việc quay lưng với nhu cầu than, tại sao lại gặp khó khăn thế?

Thứ nhất, việc sử dụng than trong công nghiệp, thường tập trung ở các nền kinh tế mới nổi, khó có thể thay thế ngay bằng các nguồn năng lượng khác.

Thứ hai, các nhà máy điện than là tài sản có tuổi thọ cao với tuổi thọ thiết kế tối thiểu từ 30 - 40 năm. Sau khi được xây dựng, các nhà máy than sẽ tồn tại cho đến khi “nghỉ hưu”, trừ khi có những thay đổi lớn về chi phí năng lượng tái tạo hoặc các nhà hoạch định chính sách can thiệp.

Thứ ba, việc “thoát” than thường đồng nghĩa với tổn thất cho ngành khai thác than và người lao động. Tại các quốc gia tiêu thụ than lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, lợi ích khai thác trong nước mạnh mẽ có thể làm phức tạp và trì hoãn việc loại bỏ than. Tại Hoa Kỳ, quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ than đá sang khí đốt tự nhiên đã dẫn đến việc giảm việc làm trong các mỏ than, số vụ phá sản gia tăng của các công ty khai thác than và lượng dự trữ khai thác than giảm mạnh.

Tính khả thi của lộ trình loại bỏ than

Một số điều kiện thị trường và đòn bẩy chính sách có thể giúp vượt qua những khó khăn như đã nói ở trên đối với quá trình loại bỏ than đá. Các chính sách môi trường chặt chẽ hơn, thuế carbon và các sản phẩm thay thế năng lượng có giá cả phải chăng là rất quan trọng.

Ví dụ, một kế hoạch định giá carbon đã giúp Vương quốc Anh giảm sự phụ thuộc vào than 12,4 điểm phần trăm từ năm 2013 đến năm 2018. Ở Tây Ban Nha, các khoản trợ cấp của chính phủ ủng hộ sản xuất điện tái tạo đã giúp giảm sự phụ thuộc vào than từ năm 2005 - 2010. Tại Hoa Kỳ, sự sụt giảm than khiêm tốn hơn, được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường khi cuộc cách mạng khí đá phiến đã đẩy giá khí tự nhiên xuống.

Để loại bỏ dần sự phụ thuộc vào than đá, những câu hỏi hóc búa được đặt ra khi xem xét các giải pháp, chính sách hỗ trợ chuyển dịch khỏi than.

Những người khai thác than và những người khác phụ thuộc vào ngành than vì sinh kế của họ cần có những giải pháp thực tế cho sự gián đoạn lao động mà họ phải đối mặt. Các chính sách hỗ trợ cần phải chú ý đến việc dễ dàng chuyển đổi công việc người lao động; tránh làm sụt giảm nguồn thu nhập của cộng đồng và gia đình người lao động.

Trong trường hợp các thị trường mới nổi và các nước có thu nhập thấp, cộng đồng quốc tế có thể cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật (ví dụ, xây dựng lưới điện hoạt động với các nguồn điện không liên tục, như điện gió, điện mặt trời); hạn chế tài trợ cho các các nhà máy than, ít nhất là nơi có các giải pháp thay thế.

Các giải pháp thay thế sạch hơn như khí tự nhiên cũng có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới một tương lai xanh hơn. Công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon có thể là một giải pháp khả thi để giảm bớt quá trình chuyển đổi khỏi than đá.

Quốc gia nào sẽ xây dựng nhà máy than cuối cùng trên thế giới?

Tình hình có vẻ không được tốt cho than. Nhiên liệu hóa thạch nổi tiếng đã từng là nguồn nhiên liệu hàng đầu của thế giới.

Hồi tháng 10/2020, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đánh tiếng rất có thể là hồi chuông báo tử cho các thị trường than khi công bố rằng năng lượng mặt trời hiện rẻ hơn than ở phần lớn các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, trong khi các nhà lãnh đạo toàn cầu kêu gọi nỗ lực cắt giảm lượng khí thải nhà kính gây hại cho khí hậu và tình hình cắt giảm nguồn cung tài chính cho nhiệt điện than ngày càng lớn trên khắp thế giới, thì than vẫn có thị phần hợp lý của nó, ngay cả khi năng lượng mặt trời đe dọa sẽ lấn sân mạnh mẽ.

Trên thực tế, những lo lắng về nền kinh tế và an ninh năng lượng đã đẩy nhiều tỉnh của Trung Quốc quay trở lại với nhiệt điện than trong những tháng cuối năm 2020.

Trong khi vẫn còn rất nhiều nhà máy nhiệt điện than mới đang được lên kế hoạch và xây dựng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi, thì nhiều dự án trong số này đang bị gác lại hoặc ít nhất là phải xem xét lại. Vấn đề này khiến trang tin www.climatechangenews.com đặt ra câu hỏi thú vị phải suy ngẫm: Ai sẽ xây dựng nhà máy điện than cuối cùng trên thế giới?.

Câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn hoặc lạc quan quá mức. Nhưng sự kết thúc của than đá đang đến và có thể sẽ xảy ra, khi nó vẫn không khả thi về mặt kinh tế như hiện tại.

Để trả lời câu hỏi ai sẽ là người cuối cùng “buông” điện than, trang này đã tổng hợp một danh sách ngắn những nước nắm giữ nhiều nhà máy điện than nhất. Đứng đầu là các “đại gia than”, chiếm phần lớn lượng tiêu thụ than toàn cầu là Trung Quốc và Indonesia. Tiếp đó là “những người tạo sóng”: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan…

Mặc dù không có quốc gia nào trong số này ủng hộ việc tiêu thụ than của Trung Quốc và Indonesia, nhưng họ lại đại diện cho một phần khá tốt của phân khúc thị trường và đóng góp đáng kể vào lượng khí thải carbon toàn cầu.

Năng lượng tái tạo cần được khuyến khích và làm cho giá cả phải chăng, dễ tiếp cận đối với các nền kinh tế mới nổi có nhu cầu năng lượng đang tăng vào đúng thời điểm thế giới đang cố gắng hạn chế phát thải.

Cuối cùng, không thực sự quan trọng quốc gia nào sẽ là quốc gia cuối cùng xây dựng nhà máy nhiệt điện than, mà là giành được danh hiệu “cuối cùng” nhanh như thế nào.