Ấn Độ vừa đạt được cột mốc quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng sạch của mình khi đạt 50% công suất điện lắp đặt từ các nguồn không phải nhiên liệu hóa thạch, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu đặt ra theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho Thỏa thuận Paris.
Tính đến cuối tháng 6/2025, Ấn Độ đạt tổng công suất điện lắp đặt là 484,82 GW, trong đó 242,8 GW từ các nguồn không phải nhiên liệu hóa thạch, bao gồm 8,8 GW điện hạt nhân; 49,4 GW thủy điện lớn và 184,6 GW từ năng lượng tái tạo.
Riêng công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm 5.102,05 MW thủy điện nhỏ, 51.674,85 MW điện gió, 11.596,31 MW điện sinh học và 116.247,83 MW điện mặt trời.
Sản lượng điện tái tạo của Ấn Độ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022, đặc biệt trong nửa đầu năm 2025. Năm 2024, quốc gia này bổ sung gần 28 GW điện mặt trời, điện gió. Tiếp đó, bổ sung 16,3 GW công suất điện mặt trời, điện gió trong 5 tháng đầu năm 2025.
Tỉ lệ sản lượng điện từ than đang giảm. Năm 2024, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn hai phần ba trong mức tăng sản lượng điện. Nhưng Ấn Độ có kế hoạch mở rộng công suất điện từ than thêm 80 GW vào năm 2032 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Ấn Độ hiện đặt mục tiêu đạt 500 GW công suất điện từ các nguồn không phải nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, gồm cả thủy điện và điện hạt nhân. Chính phủ cũng đang thúc đẩy lưu trữ pin, tính tuần hoàn từ các nguồn điện mặt trời, điện gió và hydro xanh để tăng cường quá trình khử carbon.
Cột mốc quan trọng vừa đạt được, nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ về chuyển đổi năng lượng sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đang được đẩy nhanh. Thành tựu này phản ánh sự thành công của việc thiết kế chính sách có tầm nhìn xa, thực hiện táo bạo và cam kết thực sự của nước này đối với phát triển bền vững và trách nhiệm về khí hậu.