Kể từ khi vũ trụ bắt đầu hình thành, Mặt trời đã phát ra năng lượng. Bức xạ phát ra từ năng lượng Mặt trời là ánh sáng nhìn thấy được.

Ngày nay, hầu hết chúng ta đều quen thuộc với những tiện ích từ các thiết bị điện tử trong cuộc sống hiện đại. Các nhà khoa học nhận ra rằng, đường dây điện, điện thoại di động, lò vi sóng, bộ định tuyến wi-fi, máy tính cũng như nhiều thiết bị điện đang hoạt động thường phát ra điện trường, từ trường. 

Điện trường và từ trường kết hợp thành một trường trong hầu hết các dạng bức xạ. Kết hợp này được gọi là trường điện từ (electric and magnetic fields – EMF).

Các nhà khoa học và cơ quan giám sát thường đồng ý rằng, bức xạ điện từ tần số thấp ít gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nhưng một số chuyên gia vẫn lo ngại về những ảnh hưởng tiềm ẩn từ lĩnh vực này khi con người tiếp xúc thường xuyên với bức xạ điện từ. Vậy bạn có nên lo lắng không?

Các loại bức xạ

Có hai loại bức xạ mà bạn có thể tiếp xúc:

+ Bức xạ có năng lượng thấp. Đây là loại bức xạ không ion hóa. Nó nhẹ và được cho là vô hại với con người. Hầu hết nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng, bức xạ không ion hóa không đủ để làm hỏng DNA hoặc tế bào. Bức xạ không ion hóa đến từ cả nguồn tự nhiên và nhân tạo. Nguồn tự nhiên ví dụ như từ trường của Trái đất. Nguồn do con người tạo ra ví dụ như: đường dây điện, điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, tín hiệu vô tuyến, truyền hình, radar, trạm vệ tinh,…

+ Bức xạ có năng lượng cao. Đây là loại bức xạ ion hóa. Ví dụ: Tia X, tia gamma, một số tia cực tím (tia UV) có năng lượng cao. Các tài liệu khoa học đồng ý rằng mức phơi nhiễm lớn có thể làm hỏng DNA hoặc tế bào của cơ thể, góp phần gây đột biến gen và ung thư. Các thiết bị y tế như máy chụp X-quang, máy quét CT tạo ra loại bức xạ này ở mức độ thấp. Các nguồn khác bao gồm bức xạ gamma từ các nguyên tố phóng xạ, bức xạ tia cực tím từ ánh nắng Mặt trời.

Việc tiếp xúc với cường độ bức xạ sẽ giảm đáng kể khi bạn giữ khoảng cách nhất định với vật thể đang phát sóng.

Các tác động của bức xạ điện từ

Hãy bắt đầu với loại bức xạ điện từ dễ thấy nhất: ánh sáng nhìn thấy được. Ví dụ ánh sáng Mặt trời hay bóng đèn, màn hình tivi, màn hình máy tính. Tác động của bức xạ ánh sáng nhìn thấy được thay đổi tùy theo phạm vi và mức độ tiếp xúc của con người với chúng. Ánh sáng Mặt trời đóng vai trò tạo nên sự sống trên Trái đất, chúng thúc đẩy các quá trình tự nhiên, ví dụ như quang hợp hay các hoạt động sinh học bình thường ở con người. Tuy nhiên, tiếp xúc quá nhiều bức xạ ánh sáng sẽ tạo ra tình trạng thoái hóa điểm vàng ở mắt và các tình trạng tạm thời ở da; hoặc giảm tiếp xúc ánh sáng tự nhiên sẽ ngăn cản quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, có thể dẫn đến trầm cảm.

Một loại bức xạ thường tiếp xúc nhiều là sóng điện thoại di động. Các nghiên cứu y học chưa đưa ra đủ bằng chứng chứng minh bức xạ do điện thoại di động phát ra, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Sóng vô tuyến phát ra từ điện thoại di động là dạng bức xạ không ion hóa, rất ít nguy cơ ảnh hưởng cho sức khỏe. Tác dụng duy nhất có thể cảm nhận được của bức xạ từ điện thoại di động là tăng nhiệt. Bạn có thể nhận thấy vùng tai nóng nhẹ mỗi khi nói chuyện điện thoại di động trên 20 phút.

Wifi và Bluetooth là một trong những công nghệ được mọi người sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống hằng ngày. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiếp xúc nhiều với sóng bức xạ phát ra từ bộ định tuyến WiFi và Bluetooth có thể gây tác dụng phụ như làm gián đoạn giấc ngủ. Chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe và gia đình, bạn có thể áp dụng một số phương pháp, chẳng hạn tắt kết nối bộ định tuyến WiFi vào ban đêm và dành nhiều thời gian hơn ở bên ngoài thiên nhiên thoáng đãng.

Sóng viba hay còn gọi là vi sóng (microwave) có trong lò vi sóng. Khi bạn hâm nóng thực phẩm trong lò vi sóng, các phân tử nước sẽ hấp thụ bức xạ vi sóng, làm gia tăng nhiệt trong thực phẩm, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn hiện có. Bức xạ vi sóng ít có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Sóng hồng ngoại là loại sóng bạn có thể quan sát ở tia phát ra từ remote điều khiển tivi hoặc đầu máy dò khói. Loại bức xạ này được gọi là “sóng hồng ngoại gần”, hầu như vô hại. Đối với “sóng hồng ngoại xa”, thường không thể nhìn thấy được bằng mắt thường và chúng tỏa nhiều nhiệt hơn. Bức xạ hồng ngoại chỉ gây hại cho cơ thể con người khi vượt quá bước sóng dài hơn 750nm. Từ điểm này trở đi, chúng có thể gây tổn thương cho mắt bạn.

Tia cực tím (tia UV), bạn nhận từ ánh nắng Mặt trời hằng ngày. Nếu tiếp xúc với bức xạ tia cực tím mạnh, có nguy cơ bị cháy nắng, đục thủy tinh thể, tổn thương tế bào, thậm chí là ung thư da. Bạn được bảo vệ khỏi tia UV của Mặt trời bởi tầng ozone, nhưng trong những đợt nắng nóng gay gắt, bạn phải tiếp xúc với bức xạ tia cực tím cường độ cao. Ảnh hưởng do tia cực tím gây ra sẽ tích tụ trong thời gian dài, các triệu chứng ban đầu của lớp biểu bì bị tổn thương chỉ có thể nhìn thấy sau này.

Trong phổ điện từ, sau tia UV là tia X có bước sóng ngắn hơn, thuộc loại bức xạ ion hóa. Loại sóng này rất nguy hiểm cho sức khỏe con người, khi bạn tiếp xúc quá nhiều và lâu dài với nó. Tia X có thể dễ dàng xuyên qua mô mềm trong cơ thể người, đó là lý do tại sao chúng được sử dụng trong y tế để chụp X-quang, kiểm tra các bộ phận trong cơ thể. Trong quá trình này, mức độ bức xạ được giữ ở mức tối thiểu để ngăn chặn sự thoái hóa tế bào và các đột biến có thể xảy ra.

Sau cùng là tia gamma, có bước sóng còn ngắn hơn cả tia X và là tia cuối cùng trong phổ điện từ. Tia gamma thuộc loại bức xạ ion hóa. Khả năng xuyên qua tế bào của chúng là lý do tia gamma đôi khi được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư. Một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy lực hủy diệt do bức xạ gamma tạo ra có thể sửa chữa vật liệu di truyền theo cách khác. Ngoài ra, tia gamma còn được sử dụng để khử trùng thực phẩm và thiết bị y tế.