Tìm hiểu một số sự thật thú vị về ánh sáng liên quan đến màu sắc, tốc độ ánh sáng, ánh sáng mặt trời,… có thể giúp bạn hình dung được trong ánh sáng có gì?

● Ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy trong cuộc sống hằng ngày, còn gọi là ánh sáng khả kiến. Bạn có thể nhận biết ánh sáng khả kiến nhờ các tế bào hình nón trong mắt có thể cảm nhận bước sóng ánh sáng. Mắt chúng ta chỉ có thể phát hiện ánh sáng có bước sóng từ 380 - 700 nanomet.

● Ánh sáng khả kiến ​​là một phần của quang phổ điện từ. Đây là dạng ánh sáng duy nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy. Con người không thể nhìn thấy các loại ánh sáng khác vì bước sóng của chúng quá nhỏ hoặc quá lớn để mắt có thể phát hiện. Phổ điện từ là dải bước sóng của các bức xạ điện từ, gồm sóng vô tuyến, sóng vi ba, tia hồng ngoại, ánh sáng khả kiến, tia cực tím, tia X, tia gamma.

● Một số loài động vật có thể nhìn thấy các phần của quang phổ điện từ mà con người không thể nhìn thấy. Ví dụ, một số côn trùng có thể nhìn thấy ánh sáng cực tím (UV).

● Ánh sáng tím có bước sóng ngắn nhất khoảng 380 nanomet. Ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất, khoảng 700 nanomet.

● Ánh sáng truyền đi rất nhanh. Tốc độ ánh sáng di chuyển trong chân không (không có vật chất) là khoảng 186.000 dặm/giây (300.000 km/giây).

● Ánh sáng truyền đi chậm hơn trong các môi trường khác nhau như thủy tinh, nước, không khí. Các môi trường này có chỉ số khúc xạ, mô tả mức độ chúng làm chậm chuyển động của ánh sáng. Thủy tinh có chỉ số khúc xạ là 1,5, nghĩa là ánh sáng truyền qua nó với tốc độ khoảng 124.000 dặm/giây (200.000 km/giây). Chỉ số khúc xạ của nước là 1,3. Chỉ số khúc xạ của không khí là 1,0003, nghĩa là không khí chỉ làm chậm ánh sáng một chút.

● Ánh sáng mất khoảng 1,255 giây để từ Trái đất đến Mặt trăng.

● Ánh sáng mất khoảng 8 phút 20 giây từ Mặt trời đến được Trái đất. Bởi Mặt trời nằm rất xa Trái đất, khoảng 150 triệu km.

● Ánh sáng mặt trời có thể đạt tới độ sâu khoảng 80 mét (262 feet) trong đại dương.

● Ánh sáng trắng không phải là ánh sáng đơn sắc. Vào những năm 1660, Isaac Newton phát hiện ra điều đó khi sử dụng lăng kính để cho ánh sáng trắng đi qua, các màu trong đó đều tách ra, mỗi màu khúc xạ ở một góc hơi khác nhau, tùy thuộc vào bước sóng của màu. Bạn có thể nhìn thấy điều này khi ánh sáng Mặt trời khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước trong không khí (thường sau cơn mưa) tạo ra hiện tượng cầu vồng.

● Ánh sáng có tính chất kép. Một số thí nghiệm trong thế kỷ 20 chỉ ra rằng, ánh sáng có hai tính chất, vừa hoạt động ở dạng sóng, vừa hoạt động ở dạng hạt, gọi là photon.

● Quang hợp là quá trình liên quan đến thực vật sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để chuyển đổi carbon dioxide thành dinh dưỡng cho cây.

● Ánh sáng là một dạng bức xạ điện từ. Ánh sáng có cường độ cao truyền nhiều năng lượng hơn, ánh sáng có cường độ thấp truyền ít năng lượng hơn. Con người tận dụng nguồn năng lượng từ ánh sáng Mặt trời này để sản xuất điện mặt trời.

● Mặt trời tạo ra nhiều ánh sáng vàng hơn bất kỳ màu nào khác vì nhiệt độ bề mặt của nó là 5.5000C. Nếu bề mặt của Mặt trời mát hơn, giả sử là 3.0000C, nó sẽ trông có màu đỏ, giống như ngôi sao Betelgeuse. Nếu Mặt trời nóng hơn, ví dụ 12.0000C, nó sẽ trông có màu xanh, giống như ngôi sao Rigel.