Mặt trời nằm ở trung tâm của hệ Mặt trời, là nguồn năng lượng chính cung cấp nhiệt và ánh sáng để duy trì nhiều dạng sống khác nhau trên Trái đất.

Ngoài không gian là một khu vực có nhiều biến động, nơi các sự kiện vũ trụ liên tục xảy ra không ngừng. Hệ Mặt trời là một phần của thiên thể rộng lớn này và nó không phải là ngoại lệ. Một sự kiện xảy ra khiến các nhà nghiên cứu và người dân thường lo lắng là cơn bão Mặt trời.

Bão Mặt trời là gì?

Nghe đến bão, bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những đám mây đen cuồn cuộn, vần vũ trên bầu trời, gió giật đùng đùng thật khủng khiếp, thỉnh thoảng có tia sét chớp sáng trên bầu trời. Đó là những cơn bão đến từ đại dương.

Nhưng còn bão Mặt trời thì sao? Bạn có tin rằng Trái đất thỉnh thoảng bị ảnh hưởng bởi các cơn bão Mặt trời, mặc dù bạn không nhìn thấy hoặc không nghe thấy bất cứ gì về bão Mặt trời?

Bạn có thể nghĩ Mặt trời là khối cầu khổng lồ, tỏa một ánh sáng chói chang không bao giờ thay đổi. Nhưng thực tế, sức nóng ánh sáng tỏa ra từ Mặt trời liên tục biến thiên.

Mặt trời chứa đựng các khí siêu nóng được gọi là plasma bao quanh lõi. Đôi khi do sự xáo trộn diễn ra trên bề mặt của nó, có thể dẫn đến sự bùng phát năng lượng khổng lồ dưới dạng các chùm tia sáng qua lớp ngoài cùng của Mặt trời, được gọi là nhật quyển. Những bùng phát năng lượng từ nhật quyển được gọi là bão Mặt trời. Trong khi hầu hết bão Mặt trời đều không đáng kể đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta, một số ít khác có thể tàn phá ngay lập tức.

Những hiện tượng bùng phát năng lượng khổng lồ này, thường đi đôi với việc giải phóng các luồng plasma tích điện khổng lồ. Các luồng plasma này còn được gọi là sự phun trào nhật hoa (coronal mass ejection - CME). Chúng gửi một dòng điện tích mang theo hàng tỉ tấn hạt tích điện và từ trường, di chuyển về phía Trái đất với tốc độ vài triệu dặm một giờ. Khi CME va chạm vào Trái đất, chúng có thể gây ra các cơn bão địa từ, làm gián đoạn các vệ tinh và lưới điện.

Điều gì xảy ra nếu bão Mặt trời đến Trái đất?

Khi một cơn bão Mặt trời tấn công Trái đất, nếu chúng đặc biệt mạnh, có thể làm gián đoạn các hoạt động của vệ tinh, các hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện, thiết bị điện.

Tuy vậy, bão Mặt trời nghe có vẻ đáng sợ, nhưng những cơn bão Mặt trời có thể gây ra nhiều thiệt hại nặng là rất hiếm khi xảy ra. Ở mức độ nhẹ, bão Mặt trời tạo nên những hình ảnh cực quang tuyệt đẹp, có thể quan sát thấy ở khu vực Bắc Mỹ, Bắc Âu như vào cuối tháng 10/2021 vừa qua.

Các nhà khoa học nghiên cứu về các cơn bão Mặt trời phát hiện ra rằng, vào những thời điểm hoạt động cao điểm, có thể có vài cơn bão Mặt trời mỗi ngày, vào những thời điểm khác, có thể có ít hơn một cơn bão Mặt trời mỗi tuần.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về Mặt trời trong nhiều thập kỷ, nhưng vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân gây ra những cơn bão này hoặc làm thế nào để dự đoán khi nào cơn bão Mặt trời tiếp theo sẽ xảy ra. Nhưng Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) luôn theo dõi Mặt trời bằng các vệ tinh trong trường hợp nó có khả năng bùng phát CME theo hướng về Trái đất và dự đoán các diễn biến của nó. Các nhà khoa học dự đoán, chu kỳ hoạt động hiện tại của Mặt trời sẽ dẫn đến cực điểm các cơn bão Mặt trời trong năm 2024.