Các trung tâm dữ liệu AI cần rất nhiều điện, điều này khiến các công ty công nghệ ngày càng xa rời các mục tiêu về khí hậu khi lượng khí thải carbon của họ tăng lên. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu năng lượng tăng thêm từ các công cụ AI mới khiến các mục tiêu cam kết đạt mức phát thải carbon dioxide bằng 0 trở nên xa vời hơn trong một số trường hợp.

Lấy điện từ các lò phản ứng hạt nhân là một cách mà các công ty có thể làm để giảm lượng khí thải carbon. Kết quả là, các gã khổng lồ công nghệ ngày càng để mắt đến lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu tiêu tốn nhiều năng lượng của họ.

Phần lớn lò hạt nhân cũ của Hoa Kỳ đi vào hoạt động vào những năm 1970 và 1980. Ngành công nghiệp này còn phải đối mặt với sự phản đối sau các vụ sự cố nghiêm trọng như ở Three Mile Island, Chernobyl, Fukushima. Nhà máy điện hạt nhân cũng xây dựng tốn kém và thường ít linh hoạt hơn so với nhà máy điện khí đốt có thể tăng hoặc giảm sản lượng nhanh hơn theo nhu cầu, hiện chiếm phần lớn trong cơ cấu điện của Hoa Kỳ.

Nhưng Big Tech đang thổi luồng sinh khí mới vào các lò phản ứng hạt nhân cũ của Hoa Kỳ, đồng thời cũng ủng hộ các công nghệ hạt nhân tiên tiến mới nổi, như các lò phản ứng module nhỏ (Small Modular Reactors - SMR) hiện vẫn đang trong quá trình phát triển.

Nhà máy điện hạt nhân thường cung cấp điện “tải cơ bản” ổn định. Điều đó khiến nó trở thành nguồn điện hấp dẫn cho các trung tâm dữ liệu hoạt động suốt ngày đêm. “Tải cơ bản” cũng khiến điện hạt nhân khác biệt so với điện gió và điện mặt trời, vốn thay đổi theo thời tiết hoặc thời gian trong ngày.

Microsoft vào tháng 9/2024, ký một thỏa thuận với Constellation, mua điện từ nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island đã đóng cửa. Lò phản ứng số 1 tại Three Mile Island sẽ khởi động lại, khi phải đóng cửa sớm năm 2019 do tình hình kinh tế kém. Thỏa thuận này là cột mốc quan trọng của Microsoft trong nỗ lực nhằm đạt các mục tiêu giảm phát thải carbon. Lò phản ứng số 1 nằm gần lò phản ứng số 2, nơi xảy ra sự cố điện hạt nhân tồi tệ nhất tại Hoa Kỳ năm 1979.

Vào tháng 3/2024, Amazon Web Services công bố mua lại một khuôn viên trung tâm dữ liệu được cung cấp năng lượng bởi nhà máy điện hạt nhân Susquehanna nằm liền kề, ở Pennsylvania. Tiếp đó, vào tháng 10/2024, Amazon công bố ba thỏa thuận mới với các công ty, nhằm hỗ trợ phát triển các lò phản ứng module nhỏ.

Google tiến thêm một bước hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng sạch và phát thải ròng bằng 0 năm 2030 khi ký thỏa thuận mua điện với Kairos Power, công ty chuyên phát triển các lò SMR. Thỏa thuận ký tháng 10/2024 là nền tảng cho việc triển khai một số SMR của Kairos đến các khu vực mà Google vận hành các trung tâm dữ liệu. Dự kiến SMR đầu tiên đi vào hoạt động năm 2030, với mục tiêu đưa 500 MW điện hạt nhân vào hoạt động năm 2035.

Sau Amazon, Google, Microsoft, đến lượt Meta, công ty mẹ của Facebook cũng tham gia đầu tư vào điện hạt nhân để thúc đẩy tham vọng phát triển AI và phát triển bền vững của mình. Đầu tháng 12/2024, Meta ra thông báo, tìm kiếm đối tác thực hiện giấy phép, thiết kế, chế tạo, tài trợ, xây dựng và vận hành các nhà máy điện để tạo ra nguồn năng lượng hạt nhân lâu dài. Meta nhắm tới mục tiêu 1 - 4 gigawatt công suất phát điện hạt nhân mới tại Hoa Kỳ, bắt đầu triển khai từ đầu những năm 2030.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo mới, dự đoán công suất điện hạt nhân của Hoa Kỳ có thể tăng gấp ba vào năm 2050. Sau nhiều năm không đổi, nhu cầu điện dự kiến ​​sẽ tăng ở Hoa Kỳ do phát triển xe điện, trung tâm dữ liệu mới, khai thác tiền điện tử và các cơ sở sản xuất. Nhu cầu điện ngày càng tăng đang thay đổi triển vọng của điện hạt nhân. Chỉ vài năm trước, hàng loạt lò phản ứng hạt nhân đóng cửa. Bây giờ, các lò đã đóng cửa có kế hoạch khởi động lại hoặc xin giấy phép kéo dài tuổi thọ các lò phản ứng.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là mọi thứ diễn ra suôn sẻ đối với ngành điện hạt nhân ở Hoa Kỳ. Các thiết kế lò phản ứng mới và kế hoạch mở lại các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa vẫn phải tuân theo sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Ngành công nghiệp điện hạt nhân còn phải đối mặt với sự phản đối của cộng đồng về tác động của khai thác uranium và lo ngại về nơi lưu trữ chất thải phóng xạ.