Mọi người đều biết tia UV (Ultraviolet) còn gọi là tia cực tím, có trong ánh nắng mặt trời. Đặc biệt vào buổi trưa nắng gắt, tia UV càng cao. Tia UV là một dạng bức xạ điện từ.

Tia UV có 3 loại: Tia UVA không bị tầng ozone hấp thụ, có mặt bất cứ lúc nào trong ánh nắng mặt trời. Tia UVB bị tầng ozone hấp thụ phần lớn, xuất hiện tùy theo vị trí địa lý, mùa trong năm và thời gian trong ngày. Tia UVC bị tầng ozone và khí quyển hấp thụ hoàn toàn.

Tia UV là một trong những nguyên nhân gây hại cho làn da nếu tiếp xúc lâu như: Cháy nắng, lão hóa da hay thậm chí tăng nguy cơ ung thư da. Nhưng ở khía cạnh tích cực, với liều lượng vừa phải, tia UV mang lại những lợi ích như giúp da tổng hợp vitamin D, khử trùng, diệt khuẩn.

Khi bóng đèn cháy sáng, vừa phát sáng, vừa tỏa nhiệt, cũng là một dạng bức xạ điện từ. Vậy trong ánh sáng của bóng đèn phát ra có tia UV không? Thực tế, thiết bị chiếu sáng nào cũng phát ra tia UV nhưng các loại đèn đều được cấp phép sản xuất trong giới hạn tiêu chuẩn an toàn cho con người được chấp nhận.

1. Đèn sợi đốt

Bóng đèn sợi đốt (còn gọi bóng đèn dây tóc) phát sáng nhờ việc nung nóng dây vonfram. Khi cháy sáng, đèn sợi đốt tỏa nhiệt nhiều nhất so với các loại đèn khác nên rất tốn điện. Nhưng loại đèn này phát ra rất ít tia UV nên sức khỏe con người không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào. 

2. Đèn huỳnh quang

Bóng đèn huỳnh quang xuất hiện nhiều nhất dưới hai dạng: đèn huỳnh quang compact (nói gọn là đèn compact) và đèn huỳnh quang dạng tuýp (dạng ống dài). Cả hai loại đèn này đều phát ra nhiều tia UV hơn so với bóng đèn sợi đốt, do một lượng nhỏ thủy ngân trong đèn huỳnh quang khi tiếp xúc với dòng điện sẽ tạo ra các tia UV trong ánh sáng trắng của bóng đèn. Tia UV của đèn huỳnh quang rất nhỏ, không gây ảnh hưởng tức thì đối với da và mắt, nhưng tác động về lâu dài của loại bóng đèn này rất đáng quan tâm như mỏi mắt, cận thị.

3. Đèn halogen

Đèn halogen là một dạng đèn sợi đốt, chứa đầy khí trơ, hoạt động ở nhiệt độ cực cao, quá trình hoạt động sinh nhiều nhiệt. Nhiệt độ hoạt động cao kết hợp với khí trơ phát ra các quang phổ ánh sáng khác nhau, trong đó có tia UV. Bóng đèn halogen yêu cầu bộ lọc và vỏ chắc chắn vì đảm bảo khả năng hạn chế tia UV.

4. Đèn hơi natri

Đây là đèn cao áp dùng hơi natri ở trạng thái ion hóa để tạo ra ánh sáng. Đèn cao áp natri còn có tên gọi khác như: đèn cao áp sodium, đèn HPS… Đèn hơi natri chủ yếu dùng trong chiếu sáng công cộng như đèn đường. Đèn hơi natri phát sáng cực kỳ hiệu quả, tiêu thụ điện năng vừa phải. Ánh sáng từ hơi natri được cô đặc toàn phần nên đèn phát tia UV cực nhỏ.

5. Đèn LED

Đèn LED là loại đèn được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, cường độ sáng của nó ngang bằng với đèn sợi đốt nhưng tỏa nhiệt ít hơn hẳn nên không tốn điện nhiều. Mức độ tia UV trong ánh sáng đèn LED gần như không đáng kể, nên an toàn cho làn da và sức khỏe của bạn.

Bên cạnh các loại đèn phổ biến trên, chủ yếu dùng thắp sáng sinh hoạt, còn có loại đèn tăng cường lượng tia UV để dùng cho các mục đích chuyên dụng. Chẳng hạn như: Đèn tắm nắng, là loại đèn huỳnh quang hình ống dài, phát ra cả tia UVA và UVB, hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến, bệnh còi xương... Việc sử dụng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.