Nồi cơm điện được trang bị cảm ứng từ (hoạt động gần giống như bếp điện từ) và công nghệ kiểm soát nhiệt chính xác để nấu cơm chín hoàn hảo, chỉ với yêu cầu bạn phải canh lượng nước phù hợp lượng gạo trong nồi.

Nồi cơm điện có tính tự động, bạn không cần phải trông chừng nồi cơm điện vì thiết bị này có bộ hẹn giờ tự động, biết khi nào cơm chín, đạt đến nhiệt độ thích hợp, sẽ chuyển từ chế độ nấu sang chế độ hâm nóng. Nhiều nồi cơm điện giữ nhiệt cho cơm sau khi nấu chín.

Nồi cơm điện có nhiều kích cỡ khác nhau. Bạn nên mua nồi cơm điện phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Công suất tiêu thụ của nồi cơm điện thường từ 300 - 1.100 watt. Một nồi cơm điện thông thường có công suất 400 watt, tiêu thụ 0,4 kWh điện mỗi giờ. Thời gian nấu cơm trung bình khoảng 30-35 phút.

Để sử dụng nồi cơm điện được lâu bền, bạn nên lưu ý các thao tác quan trọng sau đây:

- Không làm sướt lớp chống dính bên trong nồi con. Nồi con thường có phủ lớp chống dính. Bạn không nên dùng muỗng hay vật kim loại cà vào mặt trong của nồi con. Nếu có thói quen vo gạo ngay trong nồi con của nồi cơm điện, bạn nên vo nhẹ nhàng, tránh chà xát, kẻo lâu ngày làm bong tróc lớp chống dính bên trong nồi.

- Lau khô mặt ngoài của nồi. Nếu bạn không lau khô mặt ngoài, nước sẽ đọng xuống đáy nồi gây ra tiếng kêu lách tách, thậm chí dễ gây chập cháy rơ le. Bạn nên lau khô mặt ngoài của nồi con và đáy của lòng nồi cơm trước khi đặt nồi con vào nồi cơm điện, giúp bảo vệ mâm nhiệt và rơ le.

- Đặt nồi con ngay ngắn vào nồi cơm điện. Bạn không nên dùng một tay để đặt nồi con vào nồi cơm điện, vì dễ gây méo rơ le, làm nhiệt tỏa không đều. Dùng một tay cũng không thể đặt nồi con nhẹ nhàng, tiếp xúc tốt trong nồi cơm điện. Vì thế, hãy dùng cả hai tay khi đặt nồi con vào nồi cơm điện để đảm bảo nồi con và đĩa nhiệt tiếp xúc tốt nhất.

- Không bít lỗ thoát hơi. Khi nấu cơm, chú ý không bít kín lỗ thoát hơi của nồi cơm điện. Sau một thời gian sử dụng, có khả năng lỗ thoát hơi của nồi cơm điện bị đóng cặn, cản trở sự thoát hơi, bạn nên chú ý làm vệ sinh sạch sẽ. 

- Không bấm nút nấu đi, nấu lại nhiều lần. Đây là thói quen của đa số người dùng, vì nghĩ rằng bấm lại nồi cơm sẽ ngon hơn. Việc này dẫn đến rơ-le bật liên tục, làm giảm tuổi thọ của nồi cơm.

- Không hầm, chiên, xào với nồi cơm điện. Nồi cơm điện ngoài nấu cơm, bạn còn có thể dùng hấp bánh, nấu xôi, nấu cháo, luộc rau, chế biến một số món ăn… Tuy nhiên, bạn không nên chế biến món hầm hay món chiên, xào với nồi cơm điện vì sẽ làm nồi mau bị hỏng.