Không giống các loại cháy khác, cháy điện thường bắt đầu một cách lặng lẽ, không có ngọn lửa rõ ràng hoặc rủi ro tức thời. Cháy điện rất nguy hiểm vì nó có thể âm ỉ mà không được phát hiện cho đến khi các điều kiện cho phép nó biến thành đám cháy lớn.

Nguyên nhân phổ biến gây cháy điện

Hiểu được nguyên nhân phổ biến gây cháy điện là bước đầu tiên để phòng ngừa. Sau đây là tám lý do chính có thể dẫn đến cháy điện.

1. Quá tải mạch điện. Khi quá nhiều thiết bị kết nối với một mạch điện duy nhất, nó có thể gây ra tình trạng quá nhiệt và cuối cùng là cháy nổ. Ổ cắm quá tải gây ra hầu hết vụ cháy điện. Do đó, bạn phải thận trọng khi kết nối nhiều thiết bị với một ổ cắm duy nhất.

2. Dây điện bị lỗi. Dây điện cũ, hỏng, sờn tróc, hoặc lắp không đúng cách, có khả năng dẫn đến cháy điện.

3. Đoản mạch (Ngắn mạch). Đoản mạch xảy ra khi dòng điện chạy theo đường dẫn không mong muốn. Hiện tượng này dẫn đến sinh nhiệt quá mức do lớp cách điện hoặc các thành phần dây điện khác bị hỏng.

4. Hồ quang điện. Hồ quang điện xảy ra khi dòng điện “nhảy” từ dây dẫn này sang dây dẫn khác, tạo ra lượng nhiệt rất lớn. Hiện tượng này thường do kết nối kém hoặc dây điện bị hỏng.

5. Dây điện nối dài không đúng cách. Dây điện nối dài là giải pháp tạm thời để cung cấp thêm nguồn điện. Tuy nhiên, dùng chúng trong thời gian dài có thể dẫn đến quá nhiệt. Trên thực tế, dùng dây nối dài như một giải pháp lâu dài là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy điện.

6. Sét đánh. Sét đánh có thể gây ra cháy điện bằng cách đánh vào cáp điện hoặc thiết bị điện. Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng điều này có thể xảy ra trong những cơn bão lớn và không nên bỏ qua.

7. Bảo trì kém và sự cố. Các thiết bị điện cũ thường là nguồn gây ra ngọn lửa điện. Hao mòn kết hợp bảo trì kém, làm tăng nguy cơ sự cố.

8. Hệ thống dây điện lỗi thời. Hệ thống dây điện không đảm bảo yêu cầu an toàn hoặc hơn 30 năm tuổi có nhiều khả năng gây sự cố hơn.

Dấu hiệu của cháy điện

Biết các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cháy điện, giúp bạn có hành động kịp thời trước hậu quả thảm khốc. Hãy chú ý đến năm dấu hiệu cảnh báo sau:

1. Mùi khét bất thường. Bạn có biết mùi cháy điện như thế nào không? Đó là mùi khét, đặc biệt là mùi nhựa cháy hoặc lưu huỳnh. Nếu nhận thấy mùi lạ như vậy, bạn phải tìm hiểu ngay lập tức.

2. Ổ cắm và công tắc bị đổi màu. Ổ cắm và công tắc có vết cháy hoặc đổi màu là những dấu hiệu ban đầu. Những thay đổi này cho thấy tình trạng quá nhiệt hoặc nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn.

3. Tia lửa hoặc hồ quang điện. Nhìn thấy tia lửa hoặc tiếng hồ quang điện lạ có thể báo hiệu một tình huống nguy hiểm. Bất kỳ sự cố nào như vậy cần tìm hiểu ngay lập tức vì tia lửa liên tục có thể gây hỏa hoạn.

4. Âm thanh bất thường từ thiết bị điện. Nếu thiết bị điện của bạn bắt đầu kêu ù, ù hoặc phát ra tiếng nổ, hãy coi đây là một dấu hiệu cảnh báo. Tắt thiết bị và tìm hiểu ngay.

5. Cầu dao ngắt mạch bị ngắt hoặc cầu chì bị đứt. Cầu dao ngắt mạch hoặc cầu chì bị đứt thường xuyên có thể chỉ ra mạch điện bị quá tải hoặc trục trặc, có thể dẫn đến cháy điện nếu không được xử lý ngay lập tức.

Làm gì khi thấy đám cháy điện?

Khi một đám cháy lớn xảy ra, bạn cần bình tĩnh và phải hành động ngay lập tức. Sau đây là các bước thiết yếu, bạn lưu ý thực hiện:

1. Tắt nguồn điện. Bước đầu tiên xử lý đám cháy do điện là tắt nguồn điện nếu thấy an toàn làm điều đó. Điều này hỗ trợ cho việc chữa cháy tốt hơn.

2. Không sử dụng nước để dập lửa. Nước dẫn điện rất tốt. Bạn tuyệtt đối không sử dụng nước hay bất kỳ chất lỏng nào để dập tắt đám cháy do điện. Điều này cực kỳ nguy hiểm.

3. Sử dụng bình chữa cháy (loại C). Bình chữa cháy loại C chủ yếu dùng để dập tắt đám cháy điện. Chúng sử dụng vật liệu không dẫn điện nên phù hợp với tình huống này.

4. Sử dụng baking soda. Trường hợp không có bình chữa cháy, baking soda có thể là công cụ đơn giản nhưng hiệu quả để dập tắt ngọn lửa nhỏ do điện, bằng cách hạn chế lượng oxy cần thiết để đốt cháy.

5. Loại bỏ nguồn oxy. Bạn có thể sử dụng chăn hoặc quần áo dày để dập tắt đám cháy, cắt nguồn cung cấp oxy. Hành động này hiệu quả đối với ngọn lửa nhỏ.

6. Thoát ra ngoài ngay lập tức. An toàn cho bản thân và những người trong gia đình là điều quan trọng nhất. Hãy tìm cách thoát ra khỏi khu vực cháy ngay lập tức. Tìm lối thoát hiểm gần nhất để rời khỏi nơi cháy.

7. Gọi cho cơ quan phòng cháy chữa cháy. Bất kể mức độ của đám cháy như thế nào, bạn nên gọi cho cơ quan phòng cháy chữa cháy. Họ có phương tiện dập tắt đám cháy hiệu quả, an toàn hơn.

Làm thế nào để ngăn ngừa cháy điện?

Sau đây là sáu hành động thiết thực để ngăn ngừa cháy điện tại nhà:

1. Bảo trì hệ thống điện thường xuyên. Kiểm tra và bảo trì hệ thống điện thường xuyên có thể xác định các rủi ro tiềm ẩn trước khi chúng trở thành vấn đề nghiêm trọng.

2. Sử dụng dây điện và ổ cắm điện phù hợp. Hãy chú ý bạn chỉ sử dụng cáp nối dài và ổ cắm phù hợp với nhu cầu điện của mình. Tránh nối nhiều dây với nhau.

3. Tránh quá tải mạch điện. Hãy cẩn thận với lượng điện bạn đang sử dụng từ các ổ cắm để tránh quá nhiệt, phát sinh cháy nổ.

4. Rút phích cắm thiết bị điện khi không sử dụng. Nên nhớ rút phích cắm, ngắt kết nối các thiết bị điện khi không sử dụng, đặc biệt với thiết bị điện cũ. Hành động đơn giản này rất có ích để giảm thiểu nguy hiểm.

5. Lắp đặt máy dò khói. Những thiết bị cần thiết này có thể đưa ra cảnh báo sớm quan trọng. Bạn nhớ kiểm tra chúng thường xuyên và thay pin khi cần thiết.

6. Lắp đặt thiết bị ngắt hồ quang điện (Arc-Fault Circuit Interrupters - AFCI). AFCI là thiết bị ngắt mạch chuyên dụng được thiết kế để phát hiện và ngắt hồ quang điện nguy hiểm có thể gây ra hỏa hoạn. Cân nhắc lắp đặt AFCI ở các khu vực có nguy cơ rủi ro cao.

Hiểu được các yếu tố có thể gây cháy điện, cũng như thực hiện các hành động phòng ngừa sẽ giảm thiểu đáng kể rủi ro. Vì vậy, bạn hãy luôn nhớ kiểm tra hệ thống điện trong nhà và nhờ sự trợ giúp của chuyên gia kỹ thuật nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề về hệ thống điện.