Công suất máy phát điện là gì?
Công suất máy phát điện được hiểu là lượng điện năng mà máy có thể sản xuất ra trong một đơn vị thời gian, thường là mỗi giờ. Dựa vào đó, người dùng có thể lựa chọn máy phát điện phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình khi khu vực không có điện lưới hoặc xảy ra tình huống mất điện.
Việc lựa chọn máy phát điện với công suất phù hợp, không chỉ giúp cung cấp điện năng cho các thiết bị hoạt động ổn định khi không có nguồn điện mà còn thuận lợi trong việc vận hành và bảo dưỡng.
Nếu lựa chọn máy phát điện có công suất quá nhỏ, sản phẩm có thể không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quá tải, máy phát điện hoạt động không hiệu quả. Ngược lại, nếu lựa chọn máy phát điện có công suất quá lớn so với nhu cầu thực tế có thể dẫn đến việc tiêu thụ điện nhiều không cần thiết.
Đơn vị tính công suất máy phát điện
Trong thực tế, người dùng khá quen thuộc với đơn vị kW, thường được sử dụng để đo công suất tiêu thụ của các thiết bị điện gia dụng, hay thông báo chỉ số tiêu thụ điện hằng tháng của gia đình.
Tuy nhiên, đối với máy phát điện, công suất của máy phát điện thường được ghi bằng kVA, còn kW dùng để chỉ công suất thực của máy. Do đó, khi tính công suất máy phát điện, người dùng cần quy đổi từ kVA sang kW để biết rõ thông số của máy phát điện.
Ngoài ra, một đơn vị khác là HP (mã lực) cũng được sử dụng để tính công suất máy phát điện. Công thức quy đổi giữa HP và kW là: 1HP = 0,746 kW hoặc 1kW = 1,36HP = 0,8kVA.
Công thức tính công suất máy phát điện
Để tính công suất máy phát điện, bạn có thể áp dụng các công thức như sau:
● Đối với máy phát điện 1 pha:
+ Công suất (kVA) = cường độ dòng điện (I) x hiệu điện thế (U) / 1000.
+ Công suất (kW) = cường độ dòng điện (I) x hiệu điện thế (U) x hệ số công suất (PF) / 1000.
● Đối với máy phát điện 3 pha:
+ Công suất (kVA) = cường độ dòng điện (I) x hiệu điện thế (U) x 1,73 / 1000.
+ Công suất (kW) = cường độ dòng điện (I) x hiệu điện thế (U) x 1,73 x hệ số công suất (PF) / 1000.
Trong đó:
+ kW là đơn vị đo công suất thực (công suất hữu ích), 1kW = 1000 W.
+ kVA là đơn vị đo công suất toàn phần (công suất biểu kiến), 1kVA = 1000 VA.
+ I là cường độ dòng điện, đơn vị là A (Ampe).
+ U là hiệu điện thế (điện áp), đơn vị là V (Volt).
+ PF là hệ số công suất, trong lĩnh vực máy phát điện, hệ số công suất có giá trị khoảng 0,8.
Cách chọn máy phát điện có công suất phù hợp
Khi chọn mua máy phát điện, ngoài vấn đề về chất lượng, giá thành, nhà sản xuất, một yếu tố quan trọng khác mà bạn cần tính đến đó là công suất.
Để lựa chọn máy phát điện có công suất phù hợp, trước tiên, bạn cần xác định rõ nhu cầu sử dụng điện. Hãy lập danh sách các thiết bị điện thường xuyên sử dụng, ghi lại công suất tiêu thụ của các thiết bị đó. Tổng công suất tiêu thụ này sẽ giúp bạn xác định dòng máy phát điện tương ứng.
Bạn nên chọn máy phát điện có công suất thực phù hợp với nhu cầu của bạn, tránh mua máy có công suất quá cao hoặc quá thấp để tránh các sự cố không mong muốn. Thông thường, nên lựa chọn máy phát điện có công suất thực lớn hơn tổng nhu cầu sử dụng khoảng 10 - 15%.
Nếu trong gia đình chỉ sử dụng đèn, quạt điện, tivi, bạn nên chọn loại máy phát điện có công suất 2 - 3kW là phù hợp. Nếu trong nhà có thêm máy lạnh, bình nóng lạnh thì nên ưu tiên công suất 4 - 6kW.
Đối với văn phòng, cơ quan nhỏ, trường học, dòng công suất 10kVA sẽ phù hợp. Còn đối với công ty, xí nghiệp quy mô lớn, dòng máy công suất 100 - 2500kVA mới có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng.