Vào mùa mưa, những cơn mưa lớn thường kéo theo tình trạng ngập nước sâu ở các vùng trũng thấp. Thông thường, các đồ dùng điện, thiết bị điện gia dụng như: máy giặt, tủ lạnh, ổ cắm điện… thường được đặt ở những vị trí thấp trong nhà để tiện sử dụng. Chính do ở vị trí thấp nên khi gặp trời mưa lớn, hay triều cường, nước tràn vào nhà, sẽ làm ngập các thiết bị điện.

Bạn nên xử lý đồ điện bị ngập nước như thế nào cho đúng cách để bảo vệ các đồ điện của gia đình?

Khi trời mưa lớn, hay triều cường, nước tràn nhanh vào nhà làm bạn không kịp di chuyển các thiết bị điện. Những lúc như vậy, chẳng may các đồ dùng điện bị rò điện, sẽ truyền điện qua nước và làm bạn bị điện giật. Chính vì vậy, trước hết, bạn cần ngắt tất cả nguồn điện của các thiết bị điện đang bị thấm nước, ngập nước.

Nếu không kịp di dời các thiết bị, đồ dùng điện đến nơi cao hơn trước khi nước ngập, bạn hãy đợi đến khi nước rút đi, rồi tiến hành xử lý theo các bước sau:

Làm sạch các thiết bị, đồ dùng điện: Nước mưa, nước sông… tràn vào nhà sẽ cuốn theo rác và chất bẩn. Nước ngập thường làm cho bùn đất, chất bẩn bám vào các thiết bị điện. Ngay khi nước rút đi, bạn cần phải lau chùi sạch sẽ các chất bẩn bám bên ngoài vỏ các thiết bị điện. Tiếp đó, mở lớp vỏ thiết bị ra, dùng khăn ướt lau sạch vết bẩn và dùng khăn sạch lau khô. Nếu để bùn bám vào thiết bị, sau một thời gian, bùn sẽ hút ẩm và làm hỏng thiết bị.

Làm khô các thiết bị, đồ dùng điện: Đây là công đoạn quan trọng để giúp các thiết bị, đồ dùng điện có thể hoạt động bình thường trở lại. Đầu tiên, bạn dùng quạt máy thông thường, thổi luồng gió mạnh vào thiết bị đang ẩm để nước bốc hơi, hong khô thiết bị, linh kiện đang bị ẩm ướt bên trong.

Tiếp theo, bạn dùng máy sấy để hong khô một lần nữa. Bạn nhớ chú ý đến nhiệt độ của máy sấy vì có nhiều linh kiện điện tử không chịu được nhiệt độ cao. Nhiều linh kiện điện tử chỉ chịu được nhiệt độ 50 - 60 độ C, nên để máy sấy ở nhiệt độ thấp nhất và cứ 2 - 3 phút nên nghỉ một lần rồi lại sấy tiếp, cho đến khi thiết bị khô hẳn. 

Đo điện: Sau khi làm khô thiết bị điện, bạn không nên cắm điện chạy thử hay sử dụng ngay. Bởi nếu cắm điện vội vàng, thiết bị có nguy cơ chạm mạch, cháy, nổ do giữa các linh kiện vẫn còn ẩm, làm cho đồ điện dễ bị hư hỏng. Bạn cần tiến hành đo điện trở cách điện. Sử dụng đồng hồ đo vạn năng, điện trở cách điện đảm bảo khoảng 0,5M mới được đóng điện.

Nếu không chắc chắn về kết quả sấy khô thiết bị hoặc không có đồng hồ đo vạn năng để kiểm tra, bạn nên mang đồ điện đến các điểm sửa chữa, bảo hành để được tư vấn, sửa chữa hay gọi nhân viên đến nhà kiểm tra thiết bị.