Việc tái chế cánh turbine gió lớn thường gặp khó khăn vì chúng được chế tạo từ vật liệu chắc chắn để chống chọi các yếu tố thời tiết trong nhiều thập kỷ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, Hoa Kỳ, nghĩ ra cách tận dụng những đặc tính đó và sử dụng cánh turbine đã qua sử dụng để tạo ra nhựa bền, chắc mà không cần dùng đến hóa chất độc hại.
Thách thức nằm ở việc phá vỡ loại vật liệu nhẹ đã qua xử lý mà nhiều cánh turbine cũ từ những năm 1990 được làm từ polymer gia cường sợi thủy tinh. Trong công trình của họ, được công bố trên tạp chí Tài nguyên, Bảo tồn và Tái chế tháng 4/2025, nhóm nghiên cứu tìm ra một cách khác.
Phương pháp của nhóm bắt đầu bằng cách cắt cánh turbine đã loại bỏ thành các miếng nhỏ khoảng 5 cm (2 inch), sau đó cắt nhỏ chúng thành các mảnh vụn. Những mảnh vụn này được ngâm trong dung dịch kẽm acetate nhẹ (một loại muối hữu cơ ít độc tính) trong nước siêu nóng, áp suất, trong hai giờ.
Quy trình này cho phép thu hồi sợi thủy tinh và nhựa còn nguyên vẹn, sau đó có thể kết hợp với nhựa nhiệt dẻo nóng chảy (vật liệu thường sử dụng trong chai sữa) và nhựa nylon để sản xuất vật liệu composite cấp cao hơn. Nhựa nylon composite tái chế có độ bền cao hơn gấp 3 lần và độ cứng cao hơn gấp 8 lần.
Phương pháp của các nhà nghiên cứu có thêm một số lợi ích. Đầu tiên, chất xúc tác kẽm acetate có thể dễ dàng được lọc và thu hồi để tái sử dụng. Thứ hai, quy trình này có thể áp dụng cho các loại nhựa thông thường khác như polypropylene, được dùng trong các sản phẩm như hộp đựng thực phẩm, văn phòng phẩm và đồ chơi.
Nghiên cứu trên có thể khiến cánh turbine đã loại bỏ trở nên có giá trị đối với các nhà máy tái chế nhựa, đồng thời sử dụng quy trình khá thân thiện với môi trường. Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là giảm yêu cầu về áp suất trong phương pháp của họ, làm cho nó dễ áp dụng hơn ở quy mô lớn, đồng thời mở rộng khám phá các vật liệu có thể tái chế để chế tạo các cánh turbine mới.