Thế nào là đánh bắt cá bằng điện?
Đánh bắt cá bằng xung điện hay còn gọi là chích điện, xiệt điện là hoạt động đánh bắt cá bằng việc sử dụng xung điện gây giật và sốc điện ở cá, dẫn đến cá tê liệt hay cá chết hàng loạt để dễ dàng bắt lấy chúng.
Cách đánh bắt cá bằng chích điện thường diễn ra ở các vùng nước ngọt như sông, ao hồ, kênh rạch, cánh đồng. Nguồn điện sử dụng thường từ bình ắc quy khoảng 12V. Để chích điện bắt cá, người ta thả xuống nước hai điện cực cathode (+) và anode (-) cách nhau một khoảng cỡ 2 đến 10m, rồi bật công tắc phóng xung điện mạnh, cỡ 100 - 500V, để tạo điện trường trong nước. Cá sẽ bị sốc điện, nếu điện cực mạnh hoặc phóng điện kéo dài thì sốc điện có thể làm cá chết hàng loạt. Không chỉ có cá chết, ngay cả tôm, cua, ếch, lươn, rắn… cũng bị điện giật tê liệt, có thể chết nổi lên mặt nước.
Nếu dùng những phương pháp đánh bắt cá thông thường như thả lưới, cắm câu thì không bắt được nhiều cá. Khi sử dụng chích điện, cá bị điện giật, chết hàng loạt, nổi lên, người đánh bắt thu được cá nhiều hơn.
Đánh bắt cá bằng điện là hoạt động nguy hại, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, cũng như gây nguy hiểm tính mạng cho chính người thực hiện và những người xung quanh.
Tác hại của việc đánh bắt cá bằng điện
Điểm khác biệt giữa đánh bắt cá bằng lưới và đánh bắt cá bằng điện nằm ở chỗ, nếu thả lưới bắt cá, những con cá lớn mắc lưới nhưng cá nhỏ sẽ thoát qua mắt lưới và tiếp tục sinh trưởng, sinh sản; còn chích điện, xiệt điện thì cá lớn, cá nhỏ đều bị chết sạch, kể cả các loài thủy sản khác.
Cách đánh bắt cá này mang tính hủy diệt. Khi bị chích điện, các loài thủy sản bị tiêu diệt hàng loạt, các loài thủy sinh có lợi và các động vật khác như tôm, cua, lươn, ếch cũng bị xung điện làm chết. Tình trạng này sẽ làm hệ sinh thái bị mất cân bằng, môi trường thiên nhiên bị tàn phá. Những nơi thường xuyên bị đánh bắt như vậy, sẽ không còn loài thủy sinh nào có thể tồn tại. Để phục hồi lại môi trường sống của động thực vật ở những nơi bị tận diệt như thế này, phải mất nhiều năm dài sau đó.
Một hậu quả khác là sự nguy hiểm cho chính người thực hiện do mất an toàn trong sử dụng điện. Đã có những trường hợp, người thực hiện chích điện bắt cá, do bất cẩn, chủ quan đã bị điện giật gây tử vong. Dù ngồi trên ghe hay lội dọc bờ sông, kinh rạch, ao hồ, chỉ một chút sơ suất là người thực hiện bị điện giật ngay, tự gây nguy hiểm đến tính mạng mình.
Đánh bắt cá bằng điện có vi phạm pháp luật?
Luật thủy sản năm 2017 có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản. Khoản 7 điều 7 của Luật thủy sản về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản có bao gồm hành vi “Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”.
Như vậy, việc sử dụng điện để đánh bắt cá nói riêng và thủy sản nói chung là hành vi trái pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tùy theo mức độ vi phạm của người đánh bắt cá bằng xung điện, có thể bị xử phạt vi phạm hành chánh (phạt tiền) theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo Điều 242 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hiện nay, tại nhiều địa phương, tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt cá vẫn diễn ra, khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Hành vi này cũng đe dọa trực tiếp tới tính mạng người đánh bắt. Đây là hành vi hủy hoại môi trường đáng lên án. Cần có các trường hợp vi phạm được xử lý nghiêm minh theo pháp luật để răn đe những người vi phạm. Qua đó, hệ sinh thái của động thực vật được duy trì bền vững, môi trường thiên nhiên có điều kiện phát triển tốt hơn.