UPS là gì?
UPS (viết tắt của Uninterruptible Power Supply), dịch ra là cung cấp điện không gián đoạn, thường nói ngắn gọn là bộ lưu điện. Đây là thiết bị được thiết kế để cung cấp điện khẩn cấp cho tải khi nguồn điện đầu vào có vấn đề.
UPS cung cấp khả năng bảo vệ cho tải gần như tức thời khỏi tình trạng mất điện đầu vào, thông qua nguồn điện pin dự phòng. Vai trò của UPS là duy trì nguồn điện giữa thời điểm mất điện và thời điểm kích hoạt hệ thống điện dự phòng dài hạn hơn, như máy phát điện.
UPS là thiết bị quan trọng, giúp vận hành ổn định các thiết bị điện thiết yếu. Cho dù sử dụng tại nhà, văn phòng hay trong các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, hệ thống UPS đều cung cấp lớp bảo vệ quan trọng cho các thiết bị điện tử có độ nhạy cao, chống lại các bất thường về nguồn điện không thể đoán trước.
Chức năng của UPS
Máy tính nhận được nguồn điện xoay chiều từ lưới điện phân phối để hoạt động. Máy tính có thể chịu được những khác biệt nhỏ về điện áp, tần số từ nguồn điện đầu vào, nhưng độ lệch đáng kể có thể khiến máy tính bị hỏng. Đây chính là lúc UPS phát huy tác dụng. UPS có một số chức năng quan trọng để ứng biến với các thay đổi từ nguồn điện đầu vào:
● Mất điện hoàn toàn: Nếu đường dây bị sự cố, bị đứt ở đâu đó trên lưới điện hoặc trong tòa nhà, UPS có thể chuyển đổi liền mạch sang pin dự phòng để đảm bảo các thiết bị tiếp tục hoạt động.
● Điện áp tăng đột biến: UPS bảo vệ thiết bị điện tử vào những thời điểm điện áp trên đường dây lớn hơn mức cần thiết.
● Sụt điện áp: Một số UPS có thể điều chỉnh cân bằng điện áp thấp và điện áp cao, giúp cho thiết bị hoạt động tối ưu trong trường hợp nguồn điện bị sụt áp.
● Giao tiếp thông minh: Hệ thống UPS tiên tiến có thể giao tiếp với bất kỳ thiết bị nào được kết nối, cho phép thực hiện quy trình tắt máy tự động, để bảo toàn tính toàn vẹn của dữ liệu trước khi pin bị hỏng.
Phân loại hệ thống UPS
Có khá nhiều hệ thống UPS trên thị trường, như UPS dự phòng, UPS tương tác dòng, UPS chuyển đổi kép và các biến thể chuyên dụng khác. Việc lựa chọn đúng loại, đòi hỏi hiểu biết đầy đủ về nhu cầu cụ thể của bạn cùng với kiến thức cơ bản về hệ thống UPS.
● UPS dự phòng (Standby UPS)
UPS dự phòng sử dụng điện lưới đầu vào, đi qua công tắc chuyển mạch, cấp trực tiếp cho tải sử dụng. Khi phát hiện có sự cố, nó sẽ rất nhanh chóng, trong 5 mili giây hoặc ít hơn, bật inverter (bộ biến tần), tự động chuyển mạch, duy trì hoạt động bằng pin của UPS. UPS dự phòng thường dùng cho thiết bị đơn giản như máy tính, thiết bị văn phòng.
● UPS tương tác dòng (Line-interactive UPS)
Nguyên lý hoạt động của UPS tương tác dòng cũng tương tự UPS dự phòng. Thời gian chuyển mạch của UPS tương tác dòng khoảng 4 - 5 mili giây. UPS tương tác dòng ưu điểm hơn vì có thêm mạch ổn áp AVR có khả năng hiệu chỉnh các dao động điện áp nhỏ (sụt áp, điện áp tăng đột ngột), nhằm điều chỉnh điện áp đầu ra luôn ổn định, cấp cho tải sử dụng. Chúng có xu hướng hiệu quả hơn trong môi trường thường xuyên xảy ra dao động điện áp.
● UPS chuyển đổi kép (Double-conversion UPS)
UPS chuyển đổi kép cung cấp mức bảo vệ nguồn điện cao nhất. Nguồn điện lưới không cung cấp trực tiếp cho thiết bị điện mà được chỉnh lưu thành điện một chiều cấp cho inverter và sạc cho pin. Inverter tiếp tục biến đổi điện một chiều thành điện xoay chiều có đầu ra phù hợp với thiết bị sử dụng. Trong UPS chuyển đổi kép, inverter luôn hoạt động.
UPS chuyển đổi kép còn gọi là UPS liên tục, bởi nguồn điện cung cấp cho tải luôn liên tục, ổn định, không có thời gian gián đoạn bất kể dao động và sự cố ở lưới điện. UPS chuyển đổi kép thường dùng trong môi trường quản lý dữ liệu có độ nhạy cao và các thiết bị quan trọng như: trung tâm dữ liệu, cơ sở y tế, cơ sở hạ tầng viễn thông, hệ thống PCCC.
Hiểu được các loại UPS khác nhau, cho phép bạn đưa ra quyết định sáng suốt về cách bảo vệ thiết bị của mình. Với các tiến bộ trong công nghệ, hệ thống UPS tiếp tục phát triển, cung cấp các giải pháp hiệu quả và tin cậy hơn, đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của các thiết bị điện tử hiện đại.