Máy điều hòa không khí (máy lạnh) hoạt động ổn định hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cục nóng (dàn nóng), chứ không chỉ có cục lạnh lắp ở trong phòng kín. Cục nóng máy điều hòa hoạt động hiệu quả còn ảnh hưởng không nhỏ đến lượng điện tiêu thụ của gia đình. Vậy nên bảo quản cục nóng là vấn đề cần chú trọng.

Về cơ bản, cục nóng thông qua hoạt động của hệ thống ống đồng, sản sinh hơi lạnh, đưa hơi vào dàn lạnh, sau đó giải phóng nhiệt được hấp thụ ở trong phòng ra ngoài môi trường. Vì thế, cục nóng thường được đặt bên ngoài nhà, ở những vị trí thông thoáng.

Do cục nóng đặt ở ngoài ban công, bức tường mặt ngoài của ngôi nhà,… nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết, thậm chí là mưa to, nắng gắt. Thêm vào đó, do cục nóng luôn đặt ở ngoài nhà, theo thời gian, có khả năng bụi bặm, lá cây, thậm chí côn trùng,… bay vào trong cục nóng và kẹt lại trong đó, có thể dẫn đến một bộ phận nào đó trong cục nóng bị lỗi.

Một số người lo rằng, cục nóng thường xuyên chịu tác động các yếu tố bên ngoài nên cần phải che chắn bảo vệ cẩn thận cho cục nóng điều hòa. Nhưng điều này lại dẫn tới cục nóng hoạt động kém hiệu quả.

Thực tế, cục nóng của máy điều hòa được chế tạo để chịu được mưa nắng, nên sẽ không dễ bị hư hỏng. Các hãng sản xuất cục nóng máy điều hòa thường xuyên cải tiến công nghệ với chất lượng và hiệu suất làm việc cao, có khả năng chống chọi với mọi thời tiết khắc nghiệt bên ngoài, dù không được che chắn gì.

Hiện nay, các nhà sản xuất máy lạnh chủ yếu sử dụng hai loại chất liệu để làm vỏ cục nóng, đó là nhựa và thép sơn tĩnh điện. Chất liệu bằng nhựa và thép sơn tĩnh điện có độ bền khá tốt so với chất liệu bằng các vật liệu khác, có thể chịu được mưa nắng, cũng như có lớp chống ăn mòn, nên không dễ bị hư hỏng.

Việc che chắn cục nóng máy điều hòa quá kín cũng có thể khiến khả năng làm lạnh của cục lạnh bên trong nhà giảm đi rõ rệt và thiết bị sẽ tiêu thụ điện năng nhiều hơn.

Hãy tạo một không gian thông thoáng xung quanh cục nóng và không cần bảo vệ bộ phận này quá cẩn thận. Điều này cho phép việc lưu thông không khí được nhanh hơn, ngăn hơi ẩm bị giữ lại và tránh làm hư hỏng các bộ phận nhạy cảm bên trong cục nóng.

Khi lắp đặt cục nóng điều hòa, bên cạnh việc chọn ống, giá treo, thiết kế đường ống,… bạn cần lưu ý chọn vị trí phù hợp:

- Nên lắp ở vị trí thấp sao cho dễ bảo trì và vệ sinh máy lạnh. Nhưng người dùng cũng không nên đặt cục nóng ở vị trí quá thấp, sát mặt đất, để tránh hiện tượng ngập nước. Cũng không nên lắp đặt vị trí quá cao, sẽ khó tháo dỡ nếu có trục trặc gì xảy ra.

- Tránh để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng trực tiếp vào cục nóng.

- Nên lắp đặt nơi không gian mở, thông thoáng, không bị các vật cản phía trước để dễ tiếp cận bảo trì, vệ sinh. Không nên chọn chỗ quá kín để tránh cục nóng bị bí không tỏa nhiệt ra được.

- Tránh những nơi gió thổi trực tiếp vào cánh quạt. Vì nó sẽ gây ra một lực ép rất lớn làm hao điện. Cần chọn nơi gió thổi ngang qua, vuông góc với hướng quạt là tốt nhất. Khi đó, gió sẽ thổi nhiệt độ của máy đi, giúp cục nóng tản nhiệt nhanh hơn và ít tốn điện hơn.

- Tuyệt đối không được dùng bất cứ thứ gì che đậy kín cục nóng. Nếu điều kiện cho phép, đối với cục nóng để ngoài trời, bạn có thể làm một mái che phía trên để hạn chế các tác động của môi trường bên ngoài.

Vấn đề quan trọng là bạn nên tiến hành vệ sinh, bảo trì máy lạnh định kỳ thường xuyên để cục nóng hoạt động hiệu quả.