Ngành điện hạt nhân toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi nhu cầu về nguồn điện ít carbon và an ninh năng lượng. Việc bổ sung công suất mới, những tiến bộ trong công nghệ với các lò phản ứng modul nhỏ (SMR) và các chính sách hỗ trợ đã góp phần tăng sản lượng, củng cố vai trò của điện hạt nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Báo cáo mới nhất của GlobalData, Thị trường điện hạt nhân, cập nhật năm 2025, cho thấy sản lượng điện hạt nhân sẽ tăng từ 2.616 TWh lên 3.410 TWh trong giai đoạn 2024 - 2035, phản ánh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 2%.
Trong bối cảnh điện hạt nhân chiếm khoảng 9% sản lượng điện toàn cầu, các quốc gia có lò phản ứng cũ đã theo đuổi việc kéo dài tuổi thọ lò phản ứng, trong khi những quốc gia khác tích cực phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới của mình, đặc biệt là ở châu Á.
Hoa Kỳ vẫn là quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới, công suất lắp đặt 97 GW, tạo ra 787,6 TWh vào năm 2024. Pháp là quốc gia phụ thuộc nhiều vào hạt nhân để sản xuất hơn 60% điện năng, đứng thứ hai với 61,4 GW, sản lượng điện hằng năm 333,3 TWh. Trung Quốc, quốc gia có số lò phản ứng hạt nhân trẻ nhất, phát triển nhanh nhất, đã mở rộng công suất lên 56 GW, sản xuất 386,1 TWh, vượt qua Pháp về tổng sản lượng điện hạt nhân.
Không giống như các lò phản ứng hạt nhân quy mô lớn truyền thống, SMR có thiết kế nhỏ gọn, triển khai linh hoạt và các tính năng an toàn tiên tiến, giúp chúng phù hợp với các vùng xa xôi, lưới điện nhỏ hơn và các ứng dụng công nghiệp. Với công suất thường dưới 300 MW, SMR có thể chế tạo tại nhà máy, vận chuyển và lắp ráp tại chỗ, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí xây dựng.
SMR đang mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu, với hơn 100 lò phản ứng ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Mặc dù hiện chỉ có một số ít SMR đang hoạt động, chủ yếu ở Nga và Trung Quốc, nhưng thập kỷ tới, dự kiến sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể về công suất mới, với hơn 10.000 MW dự báo vào năm 2035.
Các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu với các chiến lược triển khai đa dạng, như kéo dài tuổi thọ lò phản ứng, phát triển công nghệ hạt nhân tiên tiến, tập trung vào SMR là trụ cột chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều này đưa thị trường điện hạt nhân sẵn sàng bước vào tăng trưởng dài hạn, được thúc đẩy bởi mục tiêu kép là tăng cường năng lượng và trung hòa khí hậu
Với những lo ngại ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng, điện hạt nhân nổi lên trở lại như một trụ cột chính trong chuyển đổi năng lượng. Các quốc gia trên khắp thế giới đang thực hiện các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đầy tham vọng và đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch. Điện hạt nhân, với khả năng cung cấp điện sạch, đáng tin cậy, giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này.