Dự án thủy điện Shuangjiangkou nằm ở tây nam Trung Quốc bắt đầu tích trữ nước vào ngày 1/5/2025, tiến gần hơn đến việc đi vào hoạt động. Đập thủy điện này nằm ở thượng nguồn của sông Dadu, chảy từ cao nguyên Tây Tạng vào lưu vực Tứ Xuyên. Sau khi hoàn thành, đập này có hai nhiệm vụ chính: phát điện và kiểm soát lũ lụt.
Tổng công ty xây dựng điện nhà nước Trung Quốc (PowerChina) là đơn vị phát triển dự án, đang xây dựng các công trình như đập, hệ thống chuyển dòng, nhà máy điện, cũng như các công trình xả lũ. Nhà máy thủy điện Shuangjiangkou được chính quyền trung ương phê duyệt vào tháng 4/2015 và bắt đầu xây dựng vào tháng 7 năm đó.
Khi hoàn thành, đây sẽ là đập thủy điện cao nhất thế giới. Đập này cao 315 mét, gần bằng chiều cao của một tòa nhà chọc trời hơn 100 tầng, cao hơn 10 mét so với kỷ lục hiện tại là đập Jinping-I (cao 305 mét) cũng ở tỉnh Tứ Xuyên, và đập Nunek ở Tajikistan (cao 304 mét).
PowerChina cho biết, sau khi giai đoạn đầu tiên tích trữ nước hoàn thành, mực nước ở mức 2.344 mét, cao hơn khoảng 80 mét so với mực nước sông ban đầu. Sức chứa nước của đập được cho là khoảng 110 triệu mét khối.
Khi đi vào hoạt động hoàn toàn, nhà máy điện Shuangjiangkou có công suất lắp đặt 2.000 MW với 4 turbine (công suất 500 MW/turbine), có thể tạo ra hơn 7 tỉ kWh mỗi năm. Con số này có khả năng đáp ứng nhu cầu điện hằng năm của hơn 3 triệu hộ gia đình. Tổ máy đầu tiên của nhà máy dự kiến phát điện cuối năm 2025.
Theo PowerChina, năng lượng sạch do nhà máy này tạo ra có thể thay thế 2,96 triệu tấn than tiêu thụ và giảm 7,18 triệu tấn khí thải carbon dioxide. Các dự án thủy điện lớn như vậy được coi là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào than đá và tăng tỉ trọng năng lượng sạch trong lưới điện quốc gia khi Trung Quốc phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.