Dấu chân carbon của tách cà phê là gì?
Bạn lái xe đi làm, bật máy điều hòa, hay xem phim trên tivi, hầu như mọi thứ bạn làm đều khiến thải carbon ra khí quyển. Điều đó được gọi là “dấu chân carbon”. Nó được định nghĩa là lượng carbon dioxide (CO2) thải ra khí quyển do các hoạt động của một cá nhân, tổ chức hoặc cộng đồng tạo ra. Nguồn phổ biến nhất là đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trong sản xuất, kinh doanh cũng vậy. Tất cả sản phẩm đều có dấu chân carbon. Những dấu chân carbon này được đo bằng cách tính lượng khí thải carbon liên quan đến các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến vận chuyển, bán hàng.
Đối với những người yêu thích uống cà phê, tách cà phê hằng ngày đại diện cho một phần dấu chân carbon của họ. Trước khi pha, hạt cà phê phải được trồng, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, rang và xay, tất cả đều liên quan đến việc thải CO2 vào khí quyển. Khi tính thêm sữa, đường, kem, dấu chân carbon còn cao hơn đáng kể.
Theo phân tích của University College London (UCL), chỉ một tách espresso (cà phê pha máy) có dấu chân carbon trung bình là 0,28kg. Đối với những loại có sữa, chẳng hạn như latte hoặc cappuccino, dấu chân carbon nằm trong khoảng từ 0,41kg đến 0,55kg.
Với việc tiêu thụ cà phê gia tăng trên toàn cầu, các nhà sản xuất, kinh doanh đang tập trung nhiều hơn vào cách giảm lượng khí thải carbon liên quan đến một tách cà phê. Tại sao như vậy? Khi carbon giải phóng vào khí quyển, nó bị giữ lại, dẫn đến cái gọi là hiệu ứng nhà kính. Quá nhiều CO2 khiến Trái đất nóng lên, gây tác hại đối với môi trường, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều hơn.
Hơn 9,5 tỉ kg cà phê được sản xuất hằng năm và nhu cầu dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2050. Do đó, việc xác định và định lượng lượng khí thải nhà kính của cà phê là điều cần thiết nếu muốn cà phê trở thành một loại cây trồng bền vững hơn.
Khí thải carbon từ hạt cà phê đến tách cà phê
Mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng cà phê đều làm tăng tổng lượng khí thải carbon của một tách cà phê, từ khâu trồng trọt, vận chuyển đến pha chế. Một số giai đoạn có lượng khí thải carbon nhiều hơn đáng kể so với các giai đoạn khác.
Sản xuất cà phê thông thường cần diện tích đất lớn, tiêu thụ một lượng lớn điện và nước. Phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu đều góp phần tạo nên lượng khí thải CO2 cao trong quá trình sản xuất. Nhu cầu cà phê càng tăng, càng gây áp lực lên rừng và các vùng đất khu vực nhiệt đới, nơi nông dân mở rộng vùng đất mới để trồng cà phê.
Các yếu tố khác góp phần tạo ra lượng khí thải carbon của cà phê bao gồm vận chuyển, rang và đóng gói. Đối với những người rang, quá trình sử dụng điện hay đốt nhiên liệu, tạo ra lượng khí thải carbon khá lớn trong tổng chuỗi cung ứng.
Không chỉ khâu sản xuất, một trong những yếu tố lớn nhất gây ra lượng khí thải carbon của cà phê xảy ra ở giai đoạn cuối cùng: tiêu thụ. Theo một số ước tính, việc pha chế và tiêu thụ cà phê chiếm gần một phần ba tổng lượng khí thải carbon, đóng vai trò quan trọng trong tác động của cà phê đến môi trường.
Ví dụ, bạn bước vào bất cứ quán cà phê nào, nơi ấy đều thải ra CO2, từ máy pha cà phê espresso, hệ thống chiếu sáng, hệ thống máy điều hòa, máy rửa ly… Nếu nguồn điện cung cấp cho các hệ thống này đến từ nhiên liệu hóa thạch, điều này làm tổng lượng khí thải carbon còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, pha chế cà phê tại nhà có xu hướng thân thiện đáng kể hơn với môi trường, tức ít khí thải carbon hơn.
Trung hòa carbon để giảm lượng khí thải carbon của cà phê
May mắn thay, các nhà kinh doanh đang áp dụng một số cách để làm cho cà phê thân thiện hơn với môi trường ở mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng. Từ hoạt động canh tác bền vững đến bao bì tái chế, đều có thể góp phần giảm lượng khí thải carbon.
Theo nghiên cứu, sản xuất cà phê bền vững có thể giảm lượng khí thải carbon gần 80% so với sản xuất thông thường. Các biện pháp như sử dụng ít phân bón hóa chất hơn; xuất khẩu hạt cà phê bằng tàu chở hàng thay vì máy bay; sử dụng ô tô điện để giao hàng cho khách hàng; rang hạt cà phê ngay tại nơi xuất xứ; quản lý năng lượng hiệu quả trong quá trình xay, rang, đều cho thấy có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon.
Mặc dù lượng khí thải carbon từ bao bì cà phê chiếm chưa đến 2% tổng lượng khí thải của một tách cà phê, nhưng việc lựa chọn bao bì bền vững là rất quan trọng. Sử dụng túi cà phê có thể phân hủy sinh học hay tái chế được có thể làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ bao bì.
Bằng cách tập trung vào các hoạt động bền vững hơn, việc trồng trọt, sản xuất, pha chế thân thiện với môi trường hơn nữa, tất cả các tác nhân trong toàn bộ chuỗi cung ứng cà phê đều giúp giảm lượng khí thải carbon của tách cà phê nói riêng và ngành cà phê nói chung.