1. Nguyên lý hoạt động

+ Bếp từ: Bếp từ hoạt động theo nguyên lý tăng nhiệt nhờ từ trường. Cấu tạo của bếp từ gồm cuộn dây đồng được đặt dưới mặt bếp làm bằng kính chuyên dụng. Khi bếp từ được cấp điện, dòng điện chạy qua cuộn dây, sinh ra dòng từ trường trên mặt bếp, từ đó đun nóng nồi có đáy nhiễm từ, làm chín thức ăn bên trong nồi.

+ Bếp hồng ngoại: Bếp hồng ngoại hoạt động theo nguyên lý bức xạ nhiệt của tia hồng ngoại. Khi được cấp điện, dòng điện sẽ đốt nóng cuộn dây điện trở để tạo ra nhiệt, rồi truyền đến mặt bếp làm nóng đáy nồi, để nấu chín thức ăn. Với cách truyền nhiệt này, nhiệt lượng phát ra từ bếp hồng ngoại phải đốt nóng mặt kính, sau đó nhiệt mới được truyền đến đáy nồi. 

2. Thời gian đun nấu

+ Bếp từ: Bếp từ có khả năng làm nóng trực tiếp đáy nồi cực nhanh bằng cảm ứng từ và không tiêu tốn nhiều nhiệt lượng. Do đó, bếp từ có thời gian nấu nhanh hơn so với bếp hồng ngoại (với cùng nhiệt độ nấu).

+ Bếp hồng ngoại: Bếp hồng ngoại phải làm nóng mặt bếp trước, rồi mới làm nóng đáy nồi khiến việc nấu ăn lâu hơn, đồng thời tiêu hao một lượng nhiệt nhất định.

3. Độ an toàn

+ Bếp từ: Do truyền nhiệt bằng cảm ứng từ, mặt bếp chỉ nóng khi tiếp xúc với đáy nồi có cảm ứng từ, thế nên bạn có thể chạm tay lên vùng xung quanh mặt bếp khi đang nấu mà không sợ bỏng. Với gia đình có trẻ nhỏ, bếp từ là sự lựa chọn an toàn hơn. Bên cạnh đó, khi đang nấu, vùng nấu xung quanh bếp từ cũng không tỏa nhiệt nên không gian bếp không nóng bức.

+ Bếp hồng ngoại: Vì phải làm nóng mặt bếp trước, rồi mới làm nóng nồi, nên trong quá trình nấu, việc chạm vào bề mặt bếp hồng ngoại có thể khiến bạn bị bỏng. Thậm chí sau khi tắt công tắc hoạt động, mặt bếp vẫn khá nóng, phải mất một thời gian để chúng nguội đi.

4. Tiêu thụ điện năng

Mức tiêu thụ điện năng của bếp từ và bếp hồng ngoại phụ thuộc vào công suất, chất liệu bề mặt bếp cũng như công nghệ sử dụng của nhà sản xuất.

+ Bếp từ: Nếu cùng công suất và nấu cùng lượng thức ăn, bếp từ có khả năng tiết kiệm điện hơn so với bếp hồng ngoại, do bếp từ có thời gian nấu nhanh hơn, hiệu suất cao hơn, ít tỏa nhiệt lượng hao phí xung quanh nên tốn ít điện hơn.

+ Bếp hồng ngoại: Bên cạnh việc truyền nhiệt lên mặt bếp để làm nóng đáy nồi, bếp hồng ngoại còn tỏa nhiệt xung quanh nên nhiệt lượng hao phí nhiều hơn. Một phần điện năng chuyển thành nhiệt lượng hao phí nên bếp hồng ngoại tiêu thụ điện nhiều hơn.

5. Các loại nồi sử dụng

+ Bếp từ: Do nguyên lý hoạt động cảm ứng từ, bếp từ kén nồi hơn so với bếp hồng ngoại. Đối với bếp từ, bạn chỉ sử dụng được các loại nồi, chảo có đáy nhiễm từ.

+ Bếp hồng ngoại: Với bếp hồng ngoại, bạn có thể dùng mọi loại nồi có chất liệu khác nhau như nồi thuỷ tinh, nồi nhôm, nồi inox, nồi đất nung, thậm chí bạn có thể nướng thực phẩm trực tiếp trên bề mặt bếp. Đây là điều mà bếp từ không thể làm so với bếp hồng ngoại.