Phân hạch hạt nhân
Phản ứng phân hạch hạt nhân (nuclear fission) là quá trình mà trong đó hạt nhân của một nguyên tử bị bắn phá bằng các neutron năng lượng thấp, phân tách thành hai hoặc nhiều hạt nhân nhỏ hơn. Hạt nhân nguyên tử ban đầu được gọi là hạt nhân mẹ, còn các hạt nhân được phân tách, nhẹ hơn là hạt nhân con.
Phản ứng phân hạch dây chuyền từ các hạt nhân con, có thể xảy ra hay không tùy thuộc vào năng lượng của các neutron được giải phóng và khoảng cách giữa các nguyên tử. Phản ứng có thể được kiểm soát hoặc điều chỉnh bằng cách đưa vào chất hấp thụ neutron (chất làm chậm) trước khi chúng có thể phản ứng với nhiều nguyên tử hơn.
Phản ứng phân hạch hạt nhân là quá trình sinh nhiệt. Năng lượng giải phóng do phản ứng phân hạch hạt nhân là rất đáng kể. Ví dụ, phản ứng phân hạch của một kilogram uranium giải phóng năng lượng tương đương việc đốt cháy khoảng bốn tỉ kilogram than. Phản ứng phân hạch hạt nhân được sử dụng trong các lò phản ứng điện hạt nhân.
Phân hạch hạt nhân ít phổ biến trong tự nhiên, như quá trình phân rã các đồng vị phóng xạ, hoặc là nhân tạo, xảy ra trong lò phản ứng hạt nhân hoặc sản xuất vũ khí.
Nhiệt hạch hạt nhân
Phản ứng nhiệt hạch hạt nhân (nuclear fusion), còn gọi là phản ứng tổng hợp, là quá trình hai hoặc nhiều hạt nhân nguyên tử hợp nhất với nhau, tạo thành hạt nhân nặng hơn. Nhiệt độ cực cao (khoảng 1,5 x 107 độ C) có thể giữ các hạt nhân lại với nhau để lực hạt nhân mạnh có thể liên kết chúng.
Khi phản ứng nhiệt hạch xảy ra, sẽ giải phóng một lượng lớn năng lượng, lớn hơn nhiều so với năng lượng được giải phóng trong phản ứng phân hạch hạt nhân. Lý do năng lượng được giải phóng từ phản ứng nhiệt hạch là do hai nguyên tử có nhiều năng lượng hơn một nguyên tử đơn lẻ. Khi các hạt nhân được hợp nhất, năng lượng dư thừa được giải phóng.
Phản ứng nhiệt hạch hạt nhân được kỳ vọng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho các nhà máy điện, sản xuất nguồn điện không carbon, chạy cả ngày lẫn đêm, không có nhược điểm của các nhà máy điện hạt nhân ngày nay, chẳng hạn như chất thải phóng xạ phải được xử lý cô lập trong hàng trăm nghìn năm.
Phản ứng nhiệt hạch hạt nhân xảy ra trong tự nhiên, nhưng nó diễn ra ở Mặt trời và các vì sao, chứ không phải trên Trái đất. Việc xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch, khai thác năng lượng, đưa vào sản xuất điện vẫn đang được một số quốc gia xây dựng, thử nghiệm.
Phân biệt phản ứng phân hạch và phản ứng nhiệt hạch
Cả phản ứng phân hạch hạt nhân và phản ứng nhiệt hạch hạt nhân đều giải phóng lượng năng lượng khổng lồ. Điểm khác biệt giữa phân hạch hạt nhân và nhiệt hạch hạt nhân là gì?
Phân hạch hạt nhân |
Nhiệt hạch hạt nhân |
Phản ứng phân hạch hạt nhân là quá trình, trong đó hạt nhân của một nguyên tử phân tách thành hai hoặc nhiều hạt nhân nhẹ hơn. |
Phản ứng nhiệt hạch hạt nhân là quá trình, trong đó hai hoặc nhiều hạt nhân của nguyên tử kết hợp, tạo thành hạt nhân nặng hơn. |
Phân hạch hạt nhân không phổ biến trong tự nhiên. |
Nhiệt hạch hạt nhân thường xảy ra ở Mặt trời và các vì sao. |
Phân hạch hạt nhân xảy ra khi có sự hiện diện của neutron ở tốc độ cao. |
Nhiệt hạch hạt nhân xảy ra trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cao. |
Phân hạch hạt nhân tạo ra lượng năng lượng rất lớn. |
Nhiệt hạch hạt nhân giải phóng năng lượng lớn hơn nhiều lần so với năng lượng giải phóng trong phân hạch hạt nhân. |
Phản ứng phân hạch hạt nhân có thể gây ra phản ứng dây chuyền. |
Phản ứng nhiệt hạch hạt nhân không có phản ứng dây chuyền xảy ra. |
Phản ứng phân hạch hạt nhân có thể được kiểm soát trong một số điều kiện. |
Phản ứng nhiệt hạch hạt nhân rất khó kiểm soát. |
Có chất thải hạt nhân tạo ra sau phản ứng phân hạch hạt nhân. |
Không có chất thải hạt nhân tạo ra sau phản ứng tổng hợp hạt nhân. |
Nguyên liệu thô cho phản ứng phân hạch hạt nhân không dễ kiếm và thường rất tốn kém. |
Nguyên liệu thô cho phản ứng tổng hợp hạt nhân tương đối rẻ và dễ kiếm. |
Bom nguyên tử hoạt động dựa trên nguyên lý phản ứng phân hạch hạt nhân |
Bom khinh khí hoạt động dựa trên nguyên lý phản ứng tổng hợp hạt nhân. |