Quá dòng (over current)
Quá dòng là tình trạng dòng điện chạy trong mạch (qua thiết bị, dây dẫn) có cường độ vượt quá dòng điện định mức của mạch. Ví dụ dòng điện định mức của mạch là 15A (ampe) nhưng mạch đang phải tải dòng điện có cường độ 200A (ampe).
Quá dòng thường do quá tải hoặc ngắn mạch (đoản mạch).
Quá dòng đạt tới một giá trị cực lớn, gây sinh nhiệt quá mức, có thể làm nóng hoặc hư hỏng thiết bị điện, dẫn đến cháy nổ hệ thống điện.
Quá tải (overload)
Quá tải là tình trạng mạch điện có cường độ dòng điện vượt quá định mức cho phép của nó, nghĩa là tải tiêu thụ vượt quá dòng điện mà nguồn có thể cung cấp. Ví dụ mạch điện có dòng điện định mức 30A (ampe) nhưng nó phải tải dòng điện có cường độ lớn hơn 30A.
Quá tải thường xảy ra khi sử dụng quá nhiều thiết bị điện công suất lớn cùng một lúc.
Khi quá tải xảy ra, dây điện bắt đầu nóng lên, nhiệt độ dây tăng lên trong một thời gian có thể làm nóng chảy lớp cách điện của dây, nguy hiểm hơn có thể làm hỏng thiết bị điện.
Quá áp (over voltage)
Bên cạnh tình trạng quá dòng, quá tải, người dùng còn lưu ý một tình trạng nữa của hệ thống điện/thiết bị điện là quá áp. Quá áp là tình trạng điện áp hoạt động hoặc điện áp cung cấp lớn hơn điện áp định mức của hệ thống điện/thiết bị điện.
Đối với điện dân dụng, điện áp cơ bản định mức thường là 220 volt (+/-10%) ở hầu hết các nước trên thế giới; hoặc 110 volt (+/-10%) như tại Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nếu điện áp vượt quá giá trị này được coi là quá áp.
Quá áp ở lưới điện dân dụng thường xảy ra do sét đánh mà không có dây tiếp địa hoặc do bất thường ở lưới điện truyền tải. Quá áp ở giá trị cao có thể làm nóng thiết bị điện và nguy cơ gây cháy nổ.