IEC và UL là tổ chức nào?
IEC (International Electrotechnical Commission), là Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế, thành lập năm 1906 tại London. IEC ra đời trước thực tế việc sử dụng điện ngày càng tăng, mọi người cho rằng cần có một số phương tiện để thiết lập các tiêu chuẩn về điện, nhằm đảm bảo hiệu quả và tính an toàn của chúng. Sau đó, IEC kết hợp thêm cả điện tử.
UL (Underwriters Laboratories Inc.) là phòng thí nghiệm kiểm tra độc lập lớn nhất, lâu đời nhất của Hoa Kỳ, thành lập năm 1894 tại Chicago. UL đánh giá về độ an toàn của tất cả công nghệ, sản phẩm mới nhất trước khi chúng được tung ra thị trường. Phạm vi của UL rất rộng, từ thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị y tế, thiết bị an ninh đến robot, laser.
Sự khác biệt về tiêu chuẩn giữa IEC và UL
Hai bộ tiêu chuẩn này khác nhau đáng kể ở chỗ, các tiêu chuẩn IEC chỉ đánh giá thiết bị điện và điện tử theo các yêu cầu an toàn cơ bản quốc tế. Còn các tiêu chuẩn UL có phạm vi rộng hơn, không chỉ giới hạn ở các thiết bị điện, điện tử mà còn cả vật liệu xây dựng, đồ nội thất, đồ bảo hộ.
Chứng nhận IEC thường bao gồm thử nghiệm bởi các phòng thí nghiệm được công nhận và chứng nhận tại địa phương. Vì phạm vi của IEC mang tính quốc tế, nên phòng thí nghiệm được công nhận có thể đảm nhiệm việc này tại quốc gia sản xuất, với chứng nhận tiêu chuẩn IEC do các tổ chức quốc gia thực hiện.
Chứng nhận UL có quy trình thử nghiệm chuyên sâu hơn, đánh giá ứng dụng và an toàn sản phẩm theo đầy đủ chi tiết kỹ thuật. UL chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn, chứng nhận chung của bên thứ ba, do đó việc thử nghiệm sản phẩm được tiến hành nghiêm ngặt; có thể kiểm tra tại cơ sở sản xuất; thậm chí kiểm toán để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn.
UL cũng giám sát việc tuân thủ chặt chẽ hơn IEC, để đảm bảo tất cả thiết bị được sản xuất theo đúng khuôn khổ và điều kiện chứng nhận đã chỉ định. Vì những lý do này, việc có được chứng nhận UL thường khó khăn hơn so với việc có được phê duyệt IEC.
Các tiêu chuẩn IEC được công nhận và áp dụng trên toàn cầu. Các tiêu chuẩn UL chủ yếu được áp dụng ở Bắc Mỹ, nhưng một số sản phẩm tiêu chuẩn UL vẫn được chấp thuận rộng rãi trên thị trường. Đôi khi, một mặt hàng, sản phẩm có thể có cả xếp hạng IEC và UL, nhưng thường chỉ có một trong hai tiêu chuẩn này.
Xếp hạng nổi bật của IEC
Một số xếp hạng nổi bật của IEC, được công nhận rộng rãi là xếp hạng IP, điện áp và dòng điện.
● Xếp hạng IP
Xếp hạng IP của IEC là một tập hợp các mã số dùng để phân biệt mức độ chống chịu của lớp vỏ bọc điện/điện tử đối với tác động của các chất bên ngoài. IP có hai chữ số, chữ số thứ nhất mô tả mức độ chống bụi; chữ số thứ hai mô tả mức độ chống nước. Ví dụ, IP65 mô tả mức độ chống bụi là 6, chống nước là 5.
● Xếp hạng điện áp
IEC phân loại điện áp thành các mức thấp, trung bình, cao và cực cao.
+ Điện áp AC thấp được định nghĩa là lên đến 1.000 volt (1 kV).
+ Điện áp AC trung bình được định nghĩa là 1.000 - 35.000 volt (1 - 35 kV).
+ Điện áp AC cao được định nghĩa là 35.000 - 230.000 volt (35 - 230 kV).
+ Điện áp AC cực cao được định nghĩa là 230.000 volt (230 kV) trở lên.
Tiêu chuẩn điện áp IEC điển hình là IEC 60038, chỉ định mức điện áp trung bình có thể áp dụng cho nhiều thiết bị. Điện áp thấp thường gặp trong các thiết bị như thiết bị đóng cắt, nằm trong phạm vi của IEC 60947. Điện áp cao và cực cao thường sử dụng trong truyền tải điện và hoạt động điện quy mô lớn.
● Xếp hạng dòng điện
Tiêu chuẩn IEC cũng được áp dụng cho các thiết bị điện, đưa ra hướng dẫn về dòng điện phù hợp. Một số tiêu chuẩn IEC phổ biến về định mức dòng điện là IEC 60065 và 62368 cho thiết bị âm thanh và video, IEC 60320 cho các đầu nối điện. Các thành phần như cầu chì, CB có chứng nhận tiêu chuẩn IEC, đảm bảo rằng chúng có mức dòng điện hỗ trợ phù hợp.
Xếp hạng nổi bật của UL
Xếp hạng UL áp dụng cho nhiều loại thiết bị, sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là ở thị trường Bắc Mỹ. Chúng chứng nhận sản phẩm đã vượt qua các thử nghiệm nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn được xác định rõ ràng về hiệu suất và an toàn. Hệ thống chứng nhận UL có ba cấp: Classified, Recognised and Listed.
● UL Classified là mức xếp hạng thấp nhất, áp dụng cho thiết bị đã trải qua một lần thử nghiệm duy nhất, với các yêu cầu cụ thể, trong điều kiện thử nghiệm và nguy hiểm hạn chế.
● UL Recognised thường áp dụng cho các linh kiện, bộ phận, chẳng hạn như bộ phận, máy móc cần thiết để sản xuất sản phẩm khác. Chẳng hạn, xếp hạng này biểu thị rằng máy móc an toàn để công nhân sử dụng trên dây chuyền lắp ráp hoặc sản xuất.
● UL Listed là tiêu chuẩn UL phổ biến nhất, áp dụng cho các mặt hàng độc lập. Tiêu chuẩn này chứng minh rằng, sau khi thử nghiệm nghiêm ngặt, sản phẩm đáp ứng yêu cầu về hiệu suất và an toàn, có thể chịu được rủi ro điện giật, hỏa hoạn và cả tình trạng hao mòn thông thường hằng ngày.