Bão Yagi xảy ra đầu tháng 9/2024, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, gồm Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan. Bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền trung Philippines ngày 1/9. Ngày 3/9, bão Yagi đi vào biển Đông và liên tục tăng cấp. Ngày 4/9, bão Yagi mạnh lên thành bão cấp 3. Chỉ một ngày sau (5/9), bão Yagi trở thành siêu bão cấp 5, sức gió duy trì mạnh nhất là 260 km/h, được cho là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua tại biển Đông.
Mùa bão nhiệt đới còn tồi tệ hơn ở Hoa Kỳ, với hai cơn bão cực lớn tấn công tiểu bang Florida và một số bang khác trong vòng một tháng (cuối tháng 9, đầu tháng 10/2024), là bão Milton và bão Helene.
Điều đáng nói, bão không phải là hiện tượng thời tiết xa lạ ở các vùng nhiệt đới trên thế giới, các cơn bão hằng năm không phải là nhiều hơn. Nhưng sức mạnh, sự tàn phá của chúng lại trở nên tồi tệ hơn, chúng cũng khó dự báo hơn. Các nhà khoa học cảnh báo, sự nóng lên của đại dương có thể là một yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão.
Vì sao nói biến đổi khí hậu thúc đẩy bão mạnh hơn?
Mặc dù tên gọi có thể khác nhau (Typhoon, Hurricane, Cyclone…) nhưng bão nhiệt đới là thuật ngữ chung để mô tả cùng một sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra ở ngoài khơi các khu vực nhiệt đới trên thế giới, như Đông Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Australia, Ấn Độ.
Những cơn bão này đều hình thành theo cách tương tự, khi nước ấm hơn 26 độ C bốc hơi trên mặt biển. Cùng với yêu cầu về nhiệt độ bề mặt biển ít nhất là 26 độ C, vùng nước ấm này phải đủ lớn để hình thành bão, khoảng vài trăm km2. Một điều nữa, bão không thể phát triển nếu không có vùng áp suất thấp.
Nếu mọi thứ kết hợp lại với nhau, vùng áp suất thấp có thể phát triển thành bão. Không khí ấm, ẩm từ biển bốc lên, ngưng tụ ở độ cao lạnh hơn, tạo thành mây giông. Một lượng lớn không khí từ khu vực xung quanh bị hút vào cơn bão. Sau đó, các khối không khí này bị kéo lên cao như trong ống khói, tạo ra tốc độ gió lên tới 300 km/h. Lực Coriolis, liên quan đến sự quay của Trái đất, khiến các khối khí quay.
Ở trung tâm của xoáy nước này, “mắt” điển hình của một cơn bão được hình thành, nơi hoàn toàn tĩnh lặng và không có mây, trong khi những đám mây ở rìa mắt bão ngày càng chồng chất cao hơn.
Những điều kiện thuận lợi cho cơn bão càng kéo dài thì bão càng trở nên tàn khốc hơn. Nhưng khi bão đổ bộ vào bờ biển, nó thường mất sức mạnh nhanh chóng, do bị cắt đứt nguồn năng lượng chính của nó là không khí ấm và ẩm của đại dương. Trên đất liền, chúng suy yếu thành áp suất thấp, mất đi sức tàn phá của chúng.
Tuy nhiên, nếu một cơn bão nhiệt đới di chuyển rất chậm và tiếp tục được cung cấp không khí ẩm từ đại dương gần bờ biển, nó có thể gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng.
Chúng ta biết rằng, các cơn bão nhiệt đới được hình thành, di chuyển nhờ nguồn “nhiên liệu” của chúng phần lớn là năng lượng từ nhiệt bốc hơi mà chúng hấp thụ trên bề mặt đại dương. Nhiệt độ bề mặt đại dương càng ấm lên, có nghĩa là bão nhiệt đới càng mạnh hơn. Mà đại dương ấm lên có một trong những nguyên nhân chính từ biến đổi khí hậu.
4 biểu hiện bão đang trở nên nguy hiểm hơn
Biến đổi khí hậu có thể sẽ mang đến những cơn bão cực mạnh ở tương lai. Sau đây là những biểu hiện cho thấy bão đang thay đổi theo chiều hướng nguy hiểm:
● Bão mạnh thường xuyên hơn
Biến đổi khí hậu có thể khiến các cơn bão lớn trở nên khó lường. Điều này không có nghĩa là sẽ có nhiều cơn bão hơn mỗi năm nhưng các cơn bão cực mạnh sẽ xảy ra phổ biến. Chúng ta sẽ thấy các cơn bão dữ dội (cấp 3 - 5) diễn ra thường xuyên hơn, dẫn đến sự tàn phá nặng nề hơn, con số thiệt hại phải lên đến hàng tỉ đô la.
● Mưa lớn nguy hiểm
Khoa học cũng đã chứng minh rõ ràng, biến đổi khí hậu làm tăng lượng mưa từ các cơn bão. Nguyên nhân là do nước ấm hơn, cung cấp nhiều độ ẩm hơn cho các cơn bão và bầu khí quyển ấm hơn có thể chứa nhiều nước hơn. Sẽ có những trận mưa lớn kỷ lục (lượng mưa, thời gian kéo dài) từ các cơn bão.
● Sóng bão lớn hơn
Mực nước biển đang dâng cao do biến đổi khí hậu. Điều đó làm tăng chiều cao của sóng. Khi cơn bão ập vào bờ, sóng nước mà cơn bão tạo ra gây đe dọa rất lớn đối với sự sống của con người, do sức mạnh khủng khiếp của nước. Thậm chí, sóng bão có thể gây ra lũ lụt nghiêm trọng cách bờ vài km.
● Tốc độ gió tăng nhanh
Trong những năm gần đây, một số cơn bão lớn ở Đại Tây Dương nhanh chóng tăng tốc độ gió, chuyển từ nguy hiểm sang thảm khốc chỉ trong vài giờ. Năm 2017, bão Maria chuyển từ cấp 1 sang cấp 5 chỉ trong vòng 18 giờ. Năm 2021, bão Ida chuyển từ cấp 1 sang gần cấp 5 trong vòng chưa đầy 24 giờ. Khi tốc độ gió của bão tăng nhanh, mọi người sẽ có ít thời gian hơn để bảo vệ nhà cửa, tài sản và di chuyển đến nơi an toàn.
Tóm lại, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng. Chống chọi với lũ lụt, giông bão thường xuyên hơn, bạn sẽ thấy đó không phải là chuyện xa vời.