Giá điện đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu và thói quen sử dụng của người tiêu dùng, từ đó tác động đến môi trường thông qua việc tiêu thụ điện. Một nghiên cứu gần đây làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa giá điện và phát thải khí nhà kính (GHG).

Phân tích dữ liệu từ 48 tiểu bang ở Hoa Kỳ từ năm 1990 đến năm 2017, nghiên cứu công bố trên tạp chí Kinh tế tài nguyên và năng lượng (REM) cho thấy, việc tăng 1% giá điện dân dụng chỉ giúp giảm 0,6% lượng GHG trong ngắn hạn thông qua các biện pháp như điều chỉnh bộ điều chỉnh nhiệt độ, tắt đèn và sử dụng ít thiết bị điện hơn.

Tuy nhiên, cùng mức tăng giá điện đó, lượng GHG giảm đáng kể 5,2% trong dài hạn thông qua sử dụng thiết bị tiết kiệm điện hơn, nâng cấp hệ thống sưởi ấm và làm mát hiệu suất tốt hơn, cũng như cách nhiệt cao hơn. Rõ ràng, giá điện cao hơn có xu hướng hạn chế tiêu thụ quá mức và khuyến khích tiết kiệm điện, dẫn đến giảm phát thải nói chung.

Nhóm nghiên cứu tại Khoa kinh tế tài nguyên thuộc Đại học Massachusetts Amherst (Hoa Kỳ), xác định rằng, trung bình, các hộ gia đình mất khoảng 9 năm để thích nghi hoàn toàn với mức giá điện cao hơn. Điều này cho thấy, các quyết định về chính sách năng lượng đưa ra hiện nay, có thể chưa phát huy hết tác dụng cho đến khoảng năm 2034.

Các nhà nghiên cứu tạo ra một thước đo mới gọi là Độ co giãn giá điện dân dụng theo phát thải khí nhà kính (REPE-GHG). Thước đo này nắm bắt toàn bộ phản ứng dây chuyền từ thay đổi giá đến kết quả phát thải, vượt qua thách thức lâu nay trong việc đo lường tác động của giá cả đối với cả mức tiêu thụ và mức phát thải.

Phương pháp tiếp cận của nhóm nghiên cứu tích hợp cả hai vế của phương trình - phản ứng của nhu cầu và cường độ phát thải từ phía cung - mang đến bức tranh toàn cảnh về hậu quả môi trường của các chính sách giá.

Nghiên cứu cũng phát hiện sự chênh lệch lớn giữa các khu vực. Các tiểu bang ở Trung Tây và Nam có mức độ nhạy cảm về giá cao hơn so với các tiểu bang ở Đông Bắc, chủ yếu do sự khác biệt về nguồn phát điện. Các khu vực phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch chứng kiến mức giảm phát thải nhiều hơn khi mức tiêu thụ điện giảm do giá tăng.

Sản xuất điện là một trong những tác nhân đáng kể gây ra phát thải khí nhà kính, bởi các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch thải ra khí carbon dioxide và các chất gây ô nhiễm khác vào không khí.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa giá điện và lượng phát thải GHG đã yếu đi hiện nay, đặc biệt từ sau năm 2005. Xu hướng này trùng hợp với các thay đổi lớn trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có sự gia tăng năng lượng tái tạo và việc áp dụng rộng rãi các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, mặc dù nghiên cứu cho thấy mối liên quan về giá điện và lượng GHG đang giảm, nhưng điều này không có nghĩa là giá điện không còn liên quan nữa. Thay vào đó, nó cho thấy chúng ta cần các cơ chế định giá thông minh hơn, phối hợp tốt với các chính sách khác để định hướng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch một cách hiệu quả.

Nghiên cứu về giá điện và phát thải khí nhà kính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét tác động môi trường của các chính sách và chiến lược định giá năng lượng. Bằng cách điều chỉnh giá điện phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, khuyến khích các giải pháp năng lượng sạch, chúng ta có thể giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm không khí, tạo ra cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững hơn cho tương lai.