Rác điện tử là gì?

Rác điện tử, hay “rác thải điện và điện tử”, là các sản phẩm điện tử hư hỏng không thể sử dụng, hết “thời hạn sử dụng” và bị loại bỏ. Ti vi, máy giặt, tủ lạnh, bóng đèn, dây điện, quạt điện, điều khiển từ xa, ổ cắm điện… là rác điện tử phổ biến.

Ngoài ra, một thuật ngữ khác bên cạnh rác điện tử, còn có cả “rác kỹ thuật số” như: máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy photocopy, máy fax, bàn phím, bảng mạch, điện thoại di động…

Các thiết bị công nghệ ngày càng phát triển, cập nhật mới liên lục. Kéo theo đó, khối lượng rác thải điện tử ngày càng tăng.

Rác điện tử chứa vật liệu độc hại

Hầu hết sản phẩm điện tử đều chứa các vật liệu độc hại như berili, cadmium, thủy ngân, chì, là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất, nước, không khí.

Cụ thể hơn, khi rác thải điện tử được chôn lấp tại bãi rác, các chất độc hại có thể hòa tan thành lớp bùn thấm dưới đáy bãi chôn lấp. Những vết tích của các vật liệu độc hại này sau đó chìm xuống lòng đất bên dưới bãi rác. Quá trình này được gọi là quá trình rửa trôi.

Càng có nhiều lượng lớn rác thải điện tử tại bãi chôn lấp, càng tạo ra các chất độc hại lớn, cuối cùng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nguồn nước ngọt ở khu vực xung quanh.

Điều này không chỉ gây hại cho bất kỳ ai sử dụng nước giếng tự nhiên mà còn nguy hại cho các loài động vật, thậm chí cả con người sống trong khu vực đó, do khả năng nhiễm các chất độc hại trong các khoáng chất này.

Lợi ích của việc tái chế rác thải công nghệ

Trong mỗi gia đình, chắc chắn không thiếu các thiết bị điện tử thiết yếu như: ti vi, máy tính xách tay, máy điều hòa không khí, quạt điện, bóng đèn,… và nhất là điện thoại di động. Đến một lúc nào đó, chúng bắt đầu hư hỏng thường xuyên, rồi mỗi thiết bị trong số đó cuối cùng sẽ hết thời hạn sử dụng và trở thành rác thải điện tử. Bạn cần thay thiết bị mới.

Đó là chưa kể, do những tiến bộ rất nhanh chóng của công nghệ, nhiều thiết bị điện tử vẫn còn hoạt động tốt lại được xem là lỗi thời. Một số thiết bị lỗi thời này lại trở thành rác thải điện tử, bởi bạn đam mê, thích sử dụng công nghệ mới, thông minh hơn.

Do đó, một quy trình tái chế rác thải công nghệ thích hợp cần phải được thực hiện để bảo vệ chúng ta và các thế hệ tương lai nhằm giúp cuộc sống xanh hơn, môi trường bền vững hơn. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, tái chế rác điện tử hay rác thải công nghệ khá phổ biến. Tại Olympic Tokyo 2020 diễn ra tại Nhật Bản, nước chủ nhà đã cung cấp các bộ huy chương vàng, bạc, đồng được sản xuất từ điện thoại di động cũ!

Bên cạnh đó, có một nguồn kim loại tái chế thân thiện với môi trường sẽ tốt hơn là đi tìm khai thác, đào các mỏ quặng mới. Mỗi khi bạn tái chế thiết bị điện tử của mình, bạn đang ngăn chất thải điện tử rửa trôi các kim loại độc hại vào nguồn nước ngầm, đồng thời bạn cũng đang giảm việc khai thác bừa bãi các mỏ quặng ở nơi khác.

Giảm rác điện tử bằng cách nào?

Tại Việt Nam, các quy định, quy trình thu gom, tái chế rác thải điện tử đã thực hiện tại một số nơi nhưng chưa được phổ biến rộng khắp, chưa được nhiều người biết đến.

Trong phạm vi gia đình bạn, nếu sử dụng đúng cách các thiết bị điện tử, bạn sẽ đảm bảo độ bền, kéo dài tuổi thọ của chúng. Những hành động nhỏ thường xuyên như: bảo trì máy điều hòa không khí, vệ sinh quạt điện, sử dụng tủ lạnh đúng cách, tránh quá tải ổ cắm điện, sạc pin điện thoại di động đúng cách… sẽ giúp giữ độ bền của các thiết bị điện tử, qua đó giảm thải loại các vật dụng còn sử dụng tốt.

Khi bạn thay thế thiết bị điện tử cũ bằng thiết bị điện tử mới, bạn có thể thỏa thuận với nơi bán hàng thu mua lại thiết bị điện tử cũ, họ có thể sửa chữa, tái chế lại, để vật dụng tiếp tục kéo dài thêm thời gian sử dụng.

Tặng thiết bị điện tử đã qua sử dụng vẫn hoạt động cũng là giải pháp hay của bạn. Trong nhiều trường hợp, có thể có một tổ chức từ thiện hoặc những người khác có nhu cầu tiếp nhận, bạn hãy tặng thiết bị điện tử để nó tiếp tục kéo dài thời gian hoạt động thay vì vứt bỏ.

Đối với thiết bị điện tử, thiết bị kỹ thuật số hư hỏng, không thể sử dụng, bạn hãy liên lạc với tổ chức, đơn vị có chương trình thu hồi rác thải điện tử tại Việt Nam để họ thu gom, tái chế theo đúng quy trình tiêu chuẩn. 

 Hiệp hội Quốc tế về xử lý và tái chế rác thải điện tử (WEEE Forum) đã chọn ngày 14/10 hằng năm là Ngày Quốc tế về rác thải điện tử nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý đúng cách loại rác thải này.