Mọi thiết bị điện, điện tử trong nhà của bạn, từ tủ lạnh, quạt điện đến máy tính, điện thoại thông minh đều có thể bị ảnh hưởng xấu bởi sự hiện diện của bụi. Theo thời gian, bụi xâm nhập vào thiết bị điện của bạn, làm giảm độ dẫn điện cũng như cản trở quá trình dẫn luồng không khí, truyền nhiệt, thoát nhiệt của thiết bị.

Thiệt hại do bụi

Bạn sử dụng quạt điện. Chỉ sau khoảng một tháng, bụi sẽ bám đầy trên cánh quạt, lồng quạt. Quạt hoạt động hết công suất, tốn điện hơn, mà bạn không thấy mát như bình thường. Bạn sẽ trả tiền điện nhiều hơn nhưng hiệu quả làm mát không như mong muốn.

Máy điều hòa không khí cũng tương tự. Sau một thời gian sử dụng, bụi sẽ bám đầy trên tấm lưới lọc của cục lạnh, bụi cũng bám đầy trên cánh quạt của cục nóng. Máy điều hòa phải hoạt động mạnh hơn, tốn điện hơn để làm mát căn phòng của bạn.

Ở phía sau lưng của tủ lạnh có máy nén và cuộn dây làm mát của tủ lạnh. Bụi bám vào máy nén và cuộn dây làm mát, có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của tủ lạnh, buộc động cơ phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể rút ngắn tuổi thọ của tủ lạnh và tăng mức tiêu thụ điện của bạn.

Tích tụ bụi bên trong là một trong những nguyên nhân chính khiến máy tính để bàn hay máy tính xách tay bị hỏng sớm. Trong hầu hết các trường hợp, bụi tích tụ sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của máy tính trong vòng 2 năm. Quạt tản nhiệt, các mạch tích hợp, ổ đĩa quang (CDROM/DVD), cổng USB… đều có thể bị bụi bám vào. Bụi làm ngăn cản quá trình làm mát cần thiết, khiến các IC bị quá nhiệt. Hậu quả là máy tính ngừng hoạt động, sớm hư hỏng.

Bụi có khả năng ẩn nấp và tích tụ bên trong các thiết bị điện. Bụi có thể chứa các hạt hơi ẩm có thể làm chập mạch bên trong thiết bị điện tử của bạn. Bụi cũng có thể chứa một lượng nhỏ khoáng chất hoặc mảnh vụn gốc carbon, ảnh hưởng đến bất cứ thứ gì đóng vai trò là chất dẫn điện hoặc ngăn cản sự dẫn điện, gây hư hỏng cho hoạt động bên trong của các thiết bị điện tử.

Mặc dù các sản phẩm này không bị hỏng ngay lập tức, nhưng một khi bụi xâm nhập vào hệ thống, về lâu dài các thiết bị điện sẽ hoạt động chậm đi và dừng lại.

Làm sạch bụi thường xuyên

Nếu bạn muốn các thiết bị điện, điện tử hoạt động hiệu suất tốt hơn, tránh tốn nhiều điện hơn, giảm chi phí tiền điện, cách đơn giản nhất là nên vệ sinh các thiết bị điện thường xuyên.

Với quạt điện, bạn dễ dàng tự thực hiện. Tháo lồng quạt, cánh quạt ra, rửa sạch, lau khô, rồi lắp vào. Lưu ý phải rút phích cắm điện của quạt ra khỏi ổ điện trước khi làm vệ sinh.

Với các thiết bị điện lớn hơn, như tủ lạnh, bạn nên dành thời gian để làm vệ sinh xung quanh tủ lạnh ít nhất mỗi tháng một lần. Sử dụng một miếng vải khô để nhẹ nhàng làm sạch máy nén và cuộn dây làm mát phía sau lưng tủ lạnh.

Việc làm sạch bụi các thiết bị điện tử nhỏ như máy tính, khó khăn hơn một chút. Bạn phải mở phần vỏ máy tính ra. Cẩn thận làm sạch quạt tản nhiệt, bề mặt các mạch. Bạn nên dành thời gian để làm sạch bàn phím máy tính của mình ít nhất mỗi tháng một lần. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có máy tính xách tay, vì bàn phím của bạn nằm ngay trên bo mạch chủ của máy tính.