Mỗi năm, sét đánh làm tử vong nhiều người, chết gia súc và động vật hoang dã. Sét cũng gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho các tòa nhà, đường dây điện, thiết bị điện, hệ thống thông tin liên lạc, các chuyến bay của các hãng hàng không…

Thông thường, điều kiện lý tưởng để tạo ra sét và sấm sét liên quan xảy ra khi không khí ẩm, ấm bốc hơi lên, trộn lẫn với không khí lạnh ở trên cao. Những điều kiện này xảy ra gần như hằng ngày ở nhiều nơi trên Trái đất, nhưng phân bố của sét ở các khu vực trên Trái đất là không đồng đều.

Sét xuất hiện phân bổ không đồng đều ở các khu vực trên Trái đất

Sét xảy ra trên đất liền nhiều hơn so với trên đại dương vì ánh nắng mặt trời hằng ngày làm nóng bề mặt đất liền nhanh hơn đại dương. Bề mặt đất nóng lên sẽ làm ấm không khí bên trên nó, không khí ấm đó bốc hơi lên sẽ gặp không khí lạnh trên cao. Sự tương tác giữa các khối khí có nhiệt độ khác nhau sẽ kích thích dông và sét.

Tia sét xuất hiện nhiều ở gần xích đạo hơn là ở hai cực. Các cực có rất ít sét vì bề mặt phủ băng tuyết trắng của chúng không được mặt trời sưởi ấm đáng kể để tạo ra đối lưu. Cũng có rất ít độ ẩm trong không khí vùng cực. Những yếu tố này làm giảm đáng kể lượng sét tạo ra gần các cực.

NASA có các vệ tinh quay quanh Trái đất với các cảm biến được thiết kế để phát hiện tia sét. Dữ liệu từ các vệ tinh này được truyền về Trái đất và được sử dụng để xây dựng dữ liệu địa lý về hoạt động của tia sét.

Có khoảng 40 tia sét phóng xuống trên toàn cầu mỗi giây và hơn 2.000 cơn dông xảy ra mỗi ngày trên toàn cầu.

NASA đã xử lý các con số dựa trên dữ liệu vệ tinh về các vụ sét đánh trong 16 năm, quan sát từ đầu những năm 2000. Theo đó, trong số 500 địa điểm bị sét đánh nhiều nhất trên thế giới, châu Phi đứng đầu với 283 địa điểm. Xếp sau là châu Á với 87 địa điểm, Nam Mỹ với 67 điểm, Bắc Mỹ 53 điểm, Châu Đại dương 10 điểm.

Khu vực có sấm sét hoạt động mạnh nhất ở Hoa Kỳ xếp thứ 122 trên toàn cầu. Đó là Everglades, một vùng đầm lầy gần Orangetree, Florida, với 79 tia sét trên một km2 mỗi năm.

Bạn đừng lầm tưởng, sét không bao giờ đánh cùng một nơi hai lần. Tòa nhà Empire State (TP New York, Hoa Kỳ) chẳng hạn, bị đánh trung bình 23 lần một năm. Tòa nhà Empire State được xây dựng năm 1931, cao nhất thế giới thời điểm đó. Độ cao của nó khiến tòa nhà trở thành mục tiêu của nhiều vụ sét đánh hàng năm. Trên đỉnh của tòa nhà 102 tầng này, cộng với chiều cao 381 mét ngất ngưỡng, ấn tượng của nó, là cột thu lôi khổng lồ, bảo vệ bản thân kiến trúc mang tính biểu tượng cũng như những người bên trong khỏi nguy cơ hỏa hoạn và điện giật khi có sét đánh.

Dưới đây là bảng xếp hạng 10 khu vực có nhiều sét đánh nhất thế giới. Tần suất sét đánh, tính bằng số lần nhấp nháy trên km2 mỗi năm mà dữ liệu vệ tinh của NASA xử lý được.

1. Hồ Maracaibo, Venezuela: 232,52 tia sét trên một km2 mỗi năm.

Maracaibo là hồ lớn nhất ở Nam Mỹ, một vịnh nước lợ ở Tây Bắc Venezuela là nơi khiến bạn tin vào thần Zeus giận dữ. Vùng nước này là nơi hoàn hảo cho những tia sét xuất hiện. Không khí ấm áp ngoài hồ gặp gió mát từ dãy núi Andes, tạo ra cái mà người dân địa phương gọi là cơn bão, diễn ra không bao giờ kết thúc.

Hồ Maracaibo, Venezuala khu vực có nhiều sét đánh nhất thế giới

Điểm nóng sét đánh ở hồ Maracaibo có mật độ là 232,52, có nghĩa là khu vực này hứng chịu trung bình 232,52 tia sét trên một km2 mỗi năm.

2. Kabare, Cộng hòa Dân chủ Congo: 205,31.

3. Kampene, Cộng hòa Dân chủ Congo: 176,71.

4. Caceres, Colombia: 172,29.

5. Sake, Cộng hòa Dân chủ Congo: 143,21.

6. Dagar, Pakistan: 143,11.

7. El Tarra, Colombia: 138,61.

8. Nguti, Cameroon: 129,58.

9. Butembo, Cộng hòa Dân chủ Congo: 129,50.

10. Boende, Cộng hòa Dân chủ Congo: 127,52.

Theo dõi bảng xếp hạng này, châu Phi là châu lục có nhiều sự cố do sét đánh nhất, trong đó Congo như là điểm đến được quan tâm nhiều nhất của thần Sét!