Nhà sản xuất cáp và cung cấp dịch vụ lắp đặt Prysmian (Italia), vừa thông báo thực hiện thành công các thử nghiệm trên biển về tuyến cáp ngầm 500 kV HVDC MI (High Voltage Direct Current Mass Impregnated) được lắp đặt ở độ sâu 2.150 mét. Đây là kỷ lục mới về lắp đặt cáp điện ngầm dưới biển ở độ sâu như vậy.

Cáp lắp đặt là loại cáp bọc thép phi kim loại, được chế tạo bằng vật liệu composite dựa trên sợi tổng hợp module đàn hồi cao (HMPE), được cho là công nghệ cáp truyền dẫn thế hệ mới. HMPE là loại sợi có độ giãn thấp, tỷ lệ độ bền trên trọng lượng cao, có khả năng chống mài mòn.

Trên thực tế, công nghệ vỏ bọc trọng lượng nhẹ tương tự đã được sử dụng vào năm 2019 cho tuyến cáp Evia - Andros - Tinos ở độ sâu 550m và năm 2020 cho tuyến cáp Crete - Peloponnese ở độ sâu 1.000m. Cả hai dự án này đều ở Hy Lạp.

Việc sử dụng giải pháp bọc thép cải tiến khiến cáp nhẹ hơn, kết hợp với tàu rải cáp Leonardo da Vinci hiện đại, cho phép lắp đặt và bảo trì tuyến Tyrrhenian của Terna ở độ sâu nước hơn 2.000 mét, độ sâu nhất dưới biển lắp đặt bằng cáp điện.

Việc lắp đặt cáp này liên quan đến hành lang điện mới ở trung tâm Địa Trung Hải, dự kiến dài 970 km, có công suất 1.000 MW. Dự án mang tên Tyrrhenian Link sẽ kết nối Sicily với Sardinia và bán đảo Italia thông qua tuyến cáp đôi dưới biển, nhằm nâng cao khả năng trao đổi điện, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện độ tin cậy của lưới điện giữa Sardinia, Sicily và Campania.

Dự án bao gồm hai phần chính. Đoạn phía đông dài 490 km, nối điểm cập bến Fiumetorto ở Termini Imerese, Sicily, với Torre Tuscia Magazzeno gần Battipaglia, Campania. Đoạn phía tây dài khoảng 480 km, nối điểm cập bến Fiumetorto với Terra Mala ở Sardinia.

Kỷ lục trước đây về tuyến cáp điện ngầm dưới biển sâu nhất thế giới thuộc về tuyến cáp truyền tải điện một chiều điện áp cao (HVDC) SAPEI, kết nối từ trạm biến áp ở Fiume Santo, vùng Sardinia với trạm biến áp ở Latina trên đất liền Italia, nằm ở độ sâu 1.600 mét dưới mực nước biển, hoàn thành năm 2011.