Không cần sự trợ giúp của năng lượng mặt trời, các sinh viên từ Đại học Kỹ thuật Munich (Technical University of Munich - TUM) ở Đức đã lập kỷ lục thế giới mới về ô tô điện có quãng đường di chuyển dài nhất thế giới, lái được quãng đường 2.575,79 km (1.599,27 dặm) trước khi xe hết pin.
Để đạt được điều này, nhóm TUfast Eco đã sửa đổi chiếc xe trước đây được sử dụng trong các cuộc thi khác dành cho ô tô điện, tập trung vào việc làm cho nó có tính khí động học và nhẹ nhất có thể, họ cũng lắp một cục pin với công suất 15,5 kWh.
Chiếc xe chỉ nặng 170 kg (374 pound) và động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu điện duy nhất có công suất chỉ 400 watt, trong khi hệ số cản được tính toán là 0,159 Cd.
Đây là xe một chỗ ngồi nên nhóm sinh viên thay nhau lái xe ròng rã trong 6 ngày. Trong đó, chỉ trong bốn ngày đầu, họ đã vượt qua kỷ lục cũ trước đó là 1.608,54 km (999,5 dặm). Nhưng pin vẫn còn nên họ tiếp tục cho xe đi thêm hai ngày nữa, cuối cùng dừng lại sau 99 giờ di chuyển.
Chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện có mức tiêu thụ năng lượng là 0,6 kWh/100 km (103 dặm/kWh), khiến nó được xem là chiếc xe điện hiệu quả nhất hiện nay. Để so sánh, nguyên mẫu Mercedes-Benz Vision EXXX có mức tiêu thụ năng lượng khoảng 8 dặm/kWh, trong khi Tesla Model Y, được nhà sản xuất xe điện của Mỹ giới thiệu là “chiếc SUV điện hiệu quả nhất từng được chế tạo”, có hiệu suất khoảng 4 dặm/kWh.
Đại diện Kỷ lục Guinness thế giới đã trao cho các sinh viên chứng nhận “Khoảng cách xa nhất bằng xe điện, sạc một lần (không sử dụng năng lượng mặt trời)”.