Trước khi ra khỏi phòng, bạn đã tắt quạt điện, tắt tivi, tắt máy tính, tắt máy in… Bạn yên tâm là mình đã tắt các thiết bị điện, có nghĩa là chúng sẽ không tiêu thụ điện nữa. Nhưng thực tế không phải vậy. Cách tắt thiết bị điện của bạn không có nghĩa là các thiết bị đó không sử dụng điện. Các thiết bị điện, điện tử vẫn tiếp tục tiêu thụ điện ở chế độ chờ.

Đây là thói quen của rất nhiều người trong đời sống hằng ngày. Chẳng hạn, nấu cơm bằng nồi cơm điện. Khi cơm chín, nồi cơm điện chuyển từ chế độ nấu (cook) sang chế độ làm ấm (warm), bạn nghĩ rằng, lúc này nồi cơm điện không tiêu tốn điện nữa, thực tế ở chế độ làm ấm, nồi cơm điện vẫn tiếp tục tiêu thụ điện. Càng để lâu, càng tốn điện.

Cũng tương tự, khi sạc pin điện thoại di động, dung lượng pin đầy 100%, bạn nghĩ rằng pin đã ngắt điện và không lấy điện thoại ra. Nếu làm như vậy, chúng vẫn tiếp tục tiêu tốn điện. Chưa kể, rất nhiều người có thói quen, không sạc pin điện thoại nhưng vẫn cắm cục sạc pin vào ổ cắm điện! Nhiều người không biết rằng, việc này sẽ gây tốn điện. Bên cạnh đó, dòng điện đi qua cục sạc sẽ tỏa nhiệt (cục sạc kém chất lượng, khả năng tỏa nhiệt càng lớn), nhiệt độ này tăng dần có thể gây cháy nổ.

May mắn thay, lầm tưởng này, ngày càng nhiều người đã nhận ra. Tất cả thiết bị điện, điện tử trong nhà hoặc văn phòng ngay cả khi đã tắt, chúng vẫn âm thầm tiêu thụ điện. Điều này được gọi là tiêu thụ điện ở chế độ chờ mặc dù lượng điện tiêu thụ rất nhỏ.

Hẳn nhiều người sẽ không quan tâm đến lượng điện tiêu thụ không đáng kể này.  Nhưng nếu bạn có nhiều thiết bị điện trong nhà đều tiêu thụ điện ở chế độ chờ; lượng điện này tích lũy từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, bạn sẽ lãng phí một lượng điện năng đáng kể.

Cách duy nhất để đảm bảo thiết bị điện, điện tử của bạn không lãng phí điện là rút hẳn phích cắm của chúng ra khỏi ổ cắm điện. Điều này vừa đảm bảo bạn không tiêu thụ điện một cách vô ích, vừa giúp tăng độ bền của thiết bị điện, điện tử.