Lò vi sóng hâm nóng thức ăn như thế nào?
Lò vi sóng hâm nóng, rã đông, làm chín thức ăn bằng cách sử dụng bức xạ điện từ. Loại bức xạ này được xem là sóng điện từ, nằm giữa sóng vô tuyến và ánh sáng nhìn thấy trên phổ điện từ.
Khi bật điện lò vi sóng, bộ phát sóng cao tần sẽ phát ra sóng viba xuyên qua thực phẩm. Những vi sóng này làm cho các phân tử nước trong thực phẩm rung động, tạo ra nhiệt và làm chín thức ăn từ trong ra ngoài.
Phương pháp nấu ăn này tiện lợi và nhanh chóng vì có thể hâm nóng thức ăn nhanh hơn nhiều so với các phương pháp nấu ăn thông thường.
Tuy nhiên, lò vi sóng có thể làm nóng không đều, một số khu vực của thực phẩm có thể nhận được nhiều năng lượng hơn những khu vực khác. Để làm nóng đều thực phẩm, bạn có thể đảo thức ăn trong khi nấu.
Hiểu đúng về bức xạ
Mọi người nghe đến từ “bức xạ” là có vẻ lo lắng nhưng điều quan trọng cần phải hiểu là không phải tất cả bức xạ đều có hại. Bức xạ là sự phát xạ và lan truyền năng lượng dưới dạng sóng, tia hoặc hạt. Chẳng hạn, bóng đèn điện hay ngọn nến đang cháy phát ra bức xạ dưới dạng ánh sáng và nhiệt.
Bức xạ trong lò vi sóng thuộc loại bức xạ không ion hóa, thiếu năng lượng cần thiết để phá vỡ liên kết hóa học và gây hại cho tế bào. Một bộ phát sóng cao tần được đặt bên trong lò vi sóng. Nó sử dụng năng lượng điện và từ, tạo ra sóng viba.
Sóng vi ba trong lò vi sóng là các dao động của điện từ với tần số thường ở 2450 MHz. Sóng vi ba có thể được hấp thụ bởi hầu hết các loại thức ăn.
Sóng viba có bước sóng khoảng 1mm - 1m, thuộc bước sóng dài. Bước sóng càng dài thì năng lượng photon càng nhỏ, không có đủ năng lượng để gây hại cho sức khỏe như tia X, tia gamma.
Bức xạ ion hóa và không ion hóa
Điều quan trọng là phải phân biệt giữa bức xạ ion hóa và bức xạ không ion hóa khi thảo luận về bức xạ từ lò vi sóng.
Bức xạ ion hóa, chẳng hạn như tia X và tia gamma, có đủ năng lượng để loại bỏ các electron khỏi nguyên tử, có thể dẫn đến tổn thương tế bào và làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Ngược lại, bức xạ không ion hóa, chẳng hạn như sóng viba trong lò vi sóng, không có đủ năng lượng để loại bỏ electron và không làm thực phẩm bị nhiễm phóng xạ. Sự khác biệt này rất quan trọng vì nó nhấn mạnh thực tế là bức xạ phát ra từ lò vi sóng khác hoàn toàn với bức xạ ion hóa liên quan đến các nguy cơ sức khỏe.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy các bằng chứng chứng minh tác hại của lò vi sóng. Do đó, việc sử dụng lò vi sóng để nấu thức ăn không gây ra rủi ro như việc tiếp xúc với bức xạ ion hóa. Điều này cho thấy, sử dụng lò vi sóng là một lựa chọn an toàn và hiệu quả để hâm nóng thực phẩm, không gây ra bất kỳ rủi ro lâu dài nào cho sức khỏe.
Lời khuyên sử dụng lò vi sóng an toàn
Trên thực tế, sóng viba chỉ được tạo ra khi bạn bật điện cho lò vi sóng hoạt động. Sau khi tắt điện, lò vi sóng sẽ ngừng phát ra bức xạ. Khi lò vi sóng hoạt động, sóng viba bị cản lại hoàn toàn nhờ lớp kính chắn sóng đặc biệt của cửa lò, sóng viba cũng tiêu tán trước khi bạn mở cửa lò. Bạn cần lưu ý, trong khi lò đang hoạt động, không nên mở cửa lò ra.
Khi nấu ăn bằng lò vi sóng, bạn nên sử dụng các vật đựng thực phẩm bằng thủy tinh hay bằng sứ. Không sử dụng đồ nhựa trong lò vi sóng vì chúng có thể nóng chảy và ngấm hóa chất vào thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng vật liệu bằng kim loại như chén, đĩa, muỗng, bởi chúng thường dẫn nhiệt, dẫn điện tốt. Khi bạn cho vật dụng bằng kim loại vào lò vi sóng, nó sẽ trở thành thiết bị truyền dẫn, có thể phát ra tia lửa điện bên trong lò, từ đó dễ gây ra nguy cơ cháy nổ.
Thường xuyên vệ sinh lò vi sóng, lau sạch các vết đổ và vết bắn trong lò vi sóng, đồng thời giữ bên ngoài sạch sẽ. Kiểm tra lò vi sóng của bạn xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào không, chẳng hạn như bản lề bị hỏng hoặc cửa đóng không chặt. Bảo trì đúng cách là chìa khóa để đảm bảo lò vi sóng của bạn hoạt động an toàn.